Văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy sự thành công của việc xây dựng thương hiệu
Mọi tổ chức đều có văn hóa riêng, nhưng văn hóa có góp phần giúp cho họ đạt được mục tiêu kinh doanh không, hay chỉ tạo ra cản trở?
Văn hóa doanh nghiệp là dấu hiệu nhận biết đáng tin cậy duy nhất về sự bền vững của doanh nghiệp. Nó giống như dấu vân tay của chúng ta vậy, nó tạo sự khác biệt cho doanh nghiệp của bạn. Những thứ khác (như sản phẩm, chiến lược, tiếp thị, thậm chí là sự cải tiến) đều có thể được sao chép, nhưng dấu hiệu nhận biết là các giá trị và chuẩn mực của tổ chức – là văn hóa hoặc tính cách của tổ chức. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ xem văn hóa là một hoạt động bên lề chứ không phải là chuẩn mực. Nhưng thực chất, một văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ có thể giúp phân biệt rõ ràng một doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh, mà trong việc xây dựng thương hiệu chúng ta gọi đó là khác biệt hoá.
Văn hóa tổ chức bao gồm những niềm tin và giá trị được tạo ra bởi các nhà lãnh đạo, sau đó truyền đạt và củng cố thông qua các phương pháp khác nhau, cuối cùng tất cả sẽ được định hình thành nhận thức, hành vi và sự hiểu biết của nhân viên.
Nói một cách đơn giản, cấu trúc và thiết kế của một công ty có thể được xem như ngoại hình, và văn hóa chính là linh hồn. Văn hóa doanh nghiệp được định nghĩa là một tập hợp các giá trị và chuẩn mực được chia sẻ chung, đặc trưng cho một tổ chức cụ thể. Một nền văn hóa mạnh mẽ, có đội ngũ nhân viên đồng lòng và quan tâm sâu sắc đến các giá trị của tổ chức, có thể cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh bằng cách tạo động lực cho nhân viên và điều phối hành vi của họ theo một tầm nhìn và các mục tiêu hiệu suất cụ thể có lợi cho công ty.
Vì sao cần quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp?
Văn hóa doanh nghiệp định hướng cho bạn và tất cả những người khác, cách tổ chức của bạn kinh doanh, cách tổ chức của bạn tương tác với nhau và cách tổ chức tương tác với thế giới bên ngoài, cụ thể là khách hàng, nhân viên, đối tác, nhà cung cấp, phương tiện truyền thông và tất cả các bên liên quan khác.
Văn hóa của bạn là công thức, là DNA cung cấp các nguyên tắc, ranh giới và kỳ vọng cho tổ chức và khách hàng của bạn, đồng thời là nền tảng để truyền cảm hứng và động lực cho mọi người, và là nguồn lực mạnh nhất mà bạn có để thu hút, tuyển dụng, thuê và giữ chân những nhân tài giỏi nhất cho doanh nghiệp của bạn. Những người giỏi nhất luôn muốn làm việc với những công ty tốt nhất, và những người giỏi nhất là chất xúc tác để tạo ra thành công liên tục trong kinh doanh.
Những người tài năng muốn làm việc với những tổ chức tốt nhất, bởi vì nó phù hợp với giá trị và kỳ vọng của chính họ. Những nhân tài, đối tác và khách hàng này coi văn hóa của doanh nghiệp bạn như một yếu tố khác biệt mạnh mẽ, về cách bạn kinh doanh, thay vì chỉ dựa vào sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
Các công ty có nền văn hóa mạnh mẽ thường có hiệu suất cao hơn.
Thông thường, các công ty có nền văn hóa mạnh mẽ có xu hướng tạo ra kết quả vượt trội so với các công ty có nền văn hóa yếu hơn. Văn hóa doanh nghiệp mạnh cũng tạo động lực cho nhân viên và giúp những nhà quản trị hoạt động hiệu suất cao. Trong vài thập kỷ qua, các học giả đã dành thời gian nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp và tự hỏi liệu văn hóa doanh nghiệp trên thực tế có ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả tổng thể của công ty hay không.
Văn hóa mạnh mẽ tạo động lực cho nhân viên làm việc một cách chủ động, đồng thời có thể dự đoán hiệu quả tài chính hiện tại và tương lai. Một nghiên cứu gần đây cho thấy văn hóa có thể là một phần không thể thiếu trong quá trình đổi mới của doanh nghiệp (tất cả các công ty luôn trong tình trạng thay đổi để thích ứng do thị trường cạnh tranh và các áp lực khác), và một số đặc điểm văn hóa nhất định có thể được sử dụng làm yếu tố dự báo cho hoạt động và hiệu quả của tổ chức (Toward a Theory of Organizational Culture and Effectiveness By Daniel R. Denison and Aneil K. Mishra – Organization Science, Vol. 6, No. 2, March-April 1995).
Lợi ích khi có văn hóa doanh nghiệp mạnh
Ngoài lợi thế về tài chính, có rất nhiều lợi ích khi doanh nghiệp của bạn có một nền văn hóa tích cực. Bao gồm:
- Giao tiếp cởi mở (minh bạch) giúp các phòng ban và nhân viên làm việc và cộng tác với nhau tốt hơn để đạt được các mục tiêu của công ty.
- Một tầm nhìn chung và sứ mệnh rõ ràng trong toàn bộ tổ chức, dẫn dắt các nhân viên làm việc hướng tới các mục tiêu chung.
- Văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ về sự tôn trọng giữa các nhân viên, tạo ra sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác trong toàn doanh nghiệp.
- Giảm bớt chính trị nội bộ, quy trình ra quyết định dễ dàng, hiệu quả hơn, và ít xảy ra bất đồng vì tầm nhìn chung được thống nhất giữa các nhà lãnh đạo.
- Giảm bớt sự phức tạp sẽ giúp cho việc thực hiện các hoạt động trong một bộ máy kiểm soát không chính thức diễn ra nhanh hơn, các mục tiêu kinh doanh cũng đạt được dễ dàng hơn.
- Mức độ nhận diện thương hiệu cao thông qua một tổ chức luôn có sự chia sẻ cảm nhận của nhân viên với bên ngoài.
- Rõ ràng trong việc hỗ trợ nhân viên hiểu rõ các công việc của họ bằng cách giải thích cụ thể từng công việc.
- Tỷ lệ thay đổi nhân viên giảm với lợi thế rõ ràng về tài chính và vận hành.
Văn hóa giao tiếp mạnh mẽ
Giao tiếp mạnh mẽ là chìa khóa. Trong một tổ chức khuyến khích giao tiếp tốt, nơi các giám đốc điều hành cấp trên tự do giao tiếp với nhân viên cấp dưới và ngược lại, nhân viên có sự tôn trọng và không phán xét đối với lãnh đạo, công ty thường thực hiện chính sách giao tiếp cởi mở với nhân viên của họ. Khi một công ty có sự giao tiếp tốt giữa các nhân viên của mình, nó có thể tránh được xung đột khi nhân viên nỗ lực làm việc. Các công ty không minh bạch và không phổ biến thông tin tốt cho mọi người thường gặp khó khăn để đạt được kết quả kinh doanh tốt hoặc thậm chí là khó trụ vững trong kinh doanh.
Tại sao văn hóa công ty lại quan trọng hơn bao giờ hết
Phát triển văn hóa công ty sao cho hiệu quả cao là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Văn hóa doanh nghiệp đã từng được cho là không quan trọng, nhưng nó nhanh chóng được chứng minh là “cần thiết” để đạt được kết quả mạnh mẽ, thay vì là “có thì tốt, không có cũng không sao”.
Lần đầu tiên trong lịch sử, thế hệ millennials đã trở thành nhóm thế hệ lớn nhất trong lực lượng lao động Hoa Kỳ với gần 54 triệu người. Millennials nhìn thế giới bằng cái nhìn khác biệt, đòi hỏi sự thay đổi trong các ưu tiên của văn hóa doanh nghiệp ngày nay. Thế hệ boomers thường trung thành và sẽ tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt tại nơi làm việc, trái ngược với Millennials, những người coi trọng sự phát triển trong sự nghiệp hơn là một nơi làm việc ổn định trong 25 năm, đồng thời luôn xem xét giá trị, ý nghĩa, cộng đồng và văn hóa của công ty.
Năm chìa khóa để tạo ra một nền văn hóa thành công
1. Phát triển tiêu chuẩn văn hóa.
Tiêu chuẩn văn hóa là một loạt các trang trình bày sử dụng các cụm từ ngắn, hình ảnh hoặc ví dụ để xác định và mô tả hành vi của tổ chức của bạn. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên phát triển tính năng độc đáo này cho công ty, sau đó chia sẻ nó với mọi người, từ các giám đốc điều hành hàng đầu cho đến những nhân viên mới.
2. Đừng cố phù hợp với tất cả mọi người.
Văn hóa kinh doanh thành công tồn tại dưới nhiều hình thức độc đáo, và những gì hiệu quả với người này, có thể không hiệu quả với người khác. Hãy là duy nhất, nhưng phải đúng với giá trị của bạn. Cố gắng tạo ra một nền văn hóa toàn diện phù hợp với mọi cá tính thường dẫn đến một môi trường làm việc không thoải mái cho tất cả mọi người. Khi bạn xác định được văn hóa nào phù hợp với doanh nghiệp của mình, hãy kiên trì theo đuổi nó.
3. Hãy để đội ngũ lãnh đạo của bạn chỉ đường.
Để phát triển một nền văn hóa thực sự vĩ đại, chỉ có thể sử dụng một mô hình duy nhất. Điều này có nghĩa là không có quy tắc đặc biệt hoặc ngoại lệ nào cho bất kỳ nhóm nào, bao gồm cả các giám đốc điều hành. Do đó, đội ngũ lãnh đạo nên là những người phù hợp nhất với văn hóa. Với tư cách là bộ mặt của doanh nghiệp, họ sẽ dẫn dắt những người còn lại thích ứng với văn hóa doanh nghiệp mỗi ngày.
4. Chỉ tuyển dụng những người phù hợp với văn hóa của bạn. (Tạo ra một quy trình tuyển dụng có kỷ luật).
Khi các doanh nghiệp đang phát triển nhanh chóng, cũng dễ hiểu khi họ tuyển dụng các ứng viên có sơ yếu lý lịch hoặc thư giới thiệu ấn tượng mà không cần xem xét đến sự phù hợp văn hóa. Dưới áp lực, một số nhà tuyển dụng thậm chí có thể bỏ qua những dấu hiệu đã quá rõ ràng về một cuộc xung đột văn hóa tiềm ẩn chỉ để hoàn thành chỉ tiêu, nhưng điều này sẽ mở ra một vấn đề đối với văn hóa doanh nghiệp của bạn, vì tất cả mọi người cần phải tin tưởng tuyệt đối vào văn hóa của doanh nghiệp, và bất kỳ người nào không phù hợp sẽ trở thành một vấn đề sau này. Phát triển kỷ luật để xem xét khả năng tương thích với văn hóa tuyển dụng mới và củng cố tầm quan trọng của nó đối với tất cả những người tham gia vào quy trình này.
5. Nhận biết những người phù hợp với văn hóa của bạn.
Sai lầm phổ biến nhất liên quan đến văn hóa doanh nghiệp là xác định xong nhưng lại sớm quên đi. Nếu văn hóa quan trọng đối với sự thành công của công ty bạn, hãy đề cập thường xuyên và thường xuyên công nhận những cá nhân, nhóm hoặc đơn vị thể hiện được văn hóa doanh nghiệp và những gì mà bạn mong đợi.
Một tổ chức có các giá trị, tính cách và văn hóa mạnh mẽ sẽ giúp doanh nghiệp thành công nhanh chóng và bền vững hơn. Nếu bạn vẫn chưa xác định được các giá trị cốt lõi và có kế hoạch xây dựng văn hoá doanh nghiệp, hãy bắt đầu ngay bây giờ. Bạn có thể nhờ sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn chiến lược như Metta. Để lại thông tin tại phung.metta@metta.com.vn để chúng tôi hiểu hơn về tình hình doanh nghiệp và hiện thực hóa mục tiêu của bạn.
Nguồn: https://www.linkedin.com/pulse/why-company-culture-so-important-business-success-peter-ashworth/
Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu