Làm thế nào để duy trì “ngọn lửa kinh doanh” qua các thế hệ?
Nguồn: Harvard Business Review
Về tác giả:
Matt Allen là giảng viên của Khoa Kinh doanh (Entrepreneurship Division) và Viện Doanh nghiệp Gia đình (Institute for Family Entrepreneurship) tại Đại học Babson. Matt lớn lên trong một doanh nghiệp gia đình và có kinh nghiệm tư vấn, nghiên cứu và giảng dạy các doanh nghiệp gia đình trong hơn hai mươi năm.
Trong thời điểm khủng hoảng của đại dịch, Matt Allen (tác giả bài viết) đã thực hiện một số nghiên cứu về cách các doanh nghiệp gia đình thích ứng với những áp lực của bối cảnh thị trường. Nghiên cứu được thực hiện vào mùa hè năm 2020, 6 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch của nhân loại. Kết quả cho ra rất thú vị. Matt nhận thấy rằng “tinh thần kinh doanh” (Entrepreneurship) chính là công cụ mà các doanh nghiệp gia đình sử dụng để giải quyết các vấn đề liên quan.
Nghiên cứu đã chỉ ra hai điểm đặc biệt. Đầu tiên, đại dịch xảy ra yêu cầu các doanh nghiệp phải đổi mới để tồn tại. Nói cách khác, sự cải tiến là điều kiện bắt buộc khi có đại dịch. Trong số 124 doanh nghiệp nghiên cứu, 29% các nhà lãnh đạo cho rằng sự thay đổi kịp thời trong đại dịch đã giúp công ty đạt được doanh thu như hiện tại, với 1/3 doanh thu đến từ “khách hàng mới”. Thứ hai, các thế hệ lãnh đạo khác nhau tạo ra các kết quả kinh doanh khác nhau. Tại các công ty được dẫn dắt bởi thế hệ đầu tiên, 38% doanh thu hiện tại đến từ những thay đổi trong đại dịch. Con số này lần lượt giảm còn 34% và 18% cho các doanh nghiệp do thế hệ thứ hai và thứ ba lãnh đạo. Các kết quả nghiên cứu được tác giả chứng minh không phụ thuộc vào quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, mặc dù sự lãnh đạo của thế hệ thứ ba vẫn tạo ra 18% doanh thu mới; song, con số này chỉ bằng một nửa so với thế hệ thứ nhất. Điều này đã đặt ra câu hỏi làm sao để duy trì tinh thần đổi mới hiệu quả trong các doanh nghiệp gia đình.
“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Câu tục ngữ đã tồn tại nhiều năm là một lời giải thích phổ biến cho sự sụt giảm thường thấy tại các doanh nghiệp gia đình. Con cái của các doanh nghiệp gia đình vì được sinh ra trong điều kiện tốt khiến chúng thiếu ý chí và sự chuẩn bị để đối mặt với các hoàn cảnh kinh doanh khó khăn. Nghiên cứu cũng cho thấy các thế hệ kế thừa doanh nghiệp gia đình có xu hướng tiếp cận công việc kinh doanh một cách thận trọng hơn, để bảo toàn lợi ích và phòng tránh rủi ro. Tóm lại, tác giả cho rằng nguyên nhân gây ra sự thất bại của một doanh nghiệp gia đình trong dài hạn chính là khoảng cách giữa các thế hệ; trong đó thế hệ sau có ít động lực và khả năng lãnh đạo kém hơn so với thế hệ trước.
Vấn đề về khoảng cách giữa các thế hệ kinh doanh vài năm trước đây được một nhóm sinh viên nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của tác giả Matt Allen. Họ đã thực hiện phỏng vấn nhiều thế hệ khác nhau trong các doanh nghiệp gia đình có quy mô lớn. Mặc dù đối tượng tham gia là nhiều doanh nghiệp với mô hình kinh doanh khác nhau, kết quả cho ra lại giống nhau đến kinh ngạc. Hầu hết các nhà lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp gia đình đều thể hiện sự thất vọng về việc các thế hệ kế nhiệm chưa sẵn sàng “tiến lên” và “chủ động” để đưa doanh nghiệp phát triển đến một tầm cao mới. Trong khi thế hệ kế nhiệm cũng thể hiện sự thất vọng của mình vì ông, bà, cha, mẹ họ không thật sự ủng hộ các ý tưởng và chiến lược mà họ đưa ra, mặc dù các ý tưởng này được xây dựng dựa trên mong muốn của thế hệ đi đầu.
Nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân gây ra khoảng cách giữa các thế hệ không phải do sự khác biệt hoàn toàn giữa mục tiêu và mong muốn của thế hệ trước và thế hệ sau. Nguyên nhân chính đến từ sự mất kết nối giữa các thế hệ. Tất cả mọi người đều mong muốn doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển, nhưng không thể gắn kết với nhau để cùng thực hiện và gây ra sự thất vọng cho các bên. Dưới đây là một số gợi ý để giải quyết khoảng cách giữa các thế hệ trong công việc kinh doanh của gia đình.
Nỗ lực giao tiếp nhiều hơn bình thường
Tất cả các mâu thuẫn xảy ra đến từ việc thiếu giao tiếp và thấu hiểu. Trong một buổi đào tạo, Matt Allen đã hỏi các thế hệ khác nhau về kế hoạch “chuyển nhượng” công việc kinh doanh của gia đình. Thế hệ đi trước dường như hiểu rõ và rất chắc chắn về các việc cần làm trong khi thế hệ sau thường nói rằng họ không biết gì về kế hoạch này. Giải pháp cho vấn đề này là hãy nỗ lực giao tiếp nhiều hơn mức bình thường. Cố gắng chia sẻ, trao đổi thông tin và lặp đi lặp lại quá trình này. Nghiên cứu của tác giả cho thấy các nhà lãnh đạo thường “nghĩ” rằng mình đã giao tiếp đủ nhiều, đủ rõ ràng và rành mạch; trong khi thực tế là ngược lại. Do đó, việc giao tiếp giữa các thế hệ nên được thực hiện thường xuyên và tập trung vào các vấn đề liên quan đến định hướng cho hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy các thế hệ sau thường rụt rè, không chủ động đặt câu hỏi và chia sẻ nhu cầu với ông, bà, cha, mẹ mình. Lời khuyên của tác giả là hãy giao tiếp nhiều hơn để hiểu rõ các chiến lược và định hướng của thế hệ đi trước (lý do tại sao họ làm vậy) và nói ra mong muốn của mình trong việc phát triển công việc kinh doanh của gia đình. Tác giả chia sẻ, nhiều sinh viên đã gặp ông sau giờ học để hỏi cách đặt câu hỏi với cha mẹ về công ty hoặc trình bày ý tưởng kinh doanh mới. Những đứa con này cuối cùng cũng nhận ra rằng việc đặt câu hỏi không quá kinh khủng như họ nghĩ. Ông, bà, cha, mẹ họ dường như cũng rất sẵn sàng và cởi mở trong những trường hợp như vậy.
Tuy nhiên, chỉ giao tiếp là không đủ để thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho thế hệ kế nhiệm. Nghiên cứu của tác giả Matt Alllen đã chỉ ra ba yếu tố tác động đến việc thúc đẩy hành động của thế hệ tiếp theo: (1) khả năng thực hiện; (2) động lực thực hiện và (3) cơ hội giúp thực hiện. Đây được gọi là “Mô hình AMO” (Ability-Motivation-Opportunity). Để thúc đẩy động lực, các doanh nghiệp gia đình nên tập trung vào việc nâng cao khả năng và tạo ra cơ hội cho các thế hệ kế nhiệm.
Nâng cao khả năng
Nhiều người thường nói rằng tinh thần kinh doanh là khả năng bẩm sinh; nghiên cứu của tác giả chỉ ra điều ngược lại, việc này hoàn toàn có thể được nâng cao nhờ học tập và rèn luyện. Dưới đây là hai gợi ý mà doanh nghiệp gia đình có thể thực hiện.
Đầu tiên là việc giáo dục kinh doanh. Những khóa học kinh doanh bài bản và chất lượng đã phát triển và ngày càng phổ biến trong những năm gần đây: từ bậc tiểu học, trung học, đến đại học, các khóa học cộng đồng… Các thế hệ đi trước cần lưu ý tập trung đến việc giáo dục cho con cháu để nâng cao khả năng kinh doanh.
Thứ hai, hãy tạo điều kiện để các thế hệ kế nhiệm tham gia vào công việc kinh doanh ngay từ lúc nhỏ. Cha mẹ hãy tạo cơ hội để con cái thực hiện một vài công việc dù lớn dù nhỏ, cho chúng cảm giác là một phần của hoạt động kinh doanh. Nếu chúng chưa sẵn sàng để tự ra quyết định kinh doanh hay tự mình thực hiện một dự án lớn… hãy tạo cơ hội để chúng tham dự cuộc họp hay đi gặp gỡ đối tác, khách hàng… Ví dụ như, một gia đình kinh doanh nhà hàng thường đưa các con cái của mình đi ăn tại các nhà hàng khác nhau, không thuộc sở hữu của họ. Trên đường lái xe về nhà, họ cùng nhau trao đổi và thảo luận về những trải nghiệm tại đó và so sánh với các nhà hàng của họ. Con cái của gia đình này đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực khi chỉ mới tốt nghiệp trung học.
Tạo cơ hội thực hành
Ngoài việc nâng cao khả năng, thế hệ kế nhiệm cũng cần có cơ hội để thực hành những điều đó. Những đứa trẻ này cần một không gian an toàn để thực hiện những ý tưởng kinh doanh của chúng và thử nghiệm các giải pháp khác nhau. Một số gia đình ủng hộ điều này bằng cách dành ra một phần nguồn lực kinh doanh để cung cấp cho thế hệ kế nhiệm. Con cái của họ có thể viết đơn xin cấp vốn, vay vốn hoặc xin đầu tư để tiến hành nghiên cứu hay khởi động các dự án kinh doanh mới. Một số gia đình khác ủng hộ các ý tưởng mới tập trung để giải quyết vấn đề thực tế tại doanh nghiệp. Số còn lại không cho phép con cái tham gia trực tiếp vào công việc kinh doanh, mà chỉ hỗ trợ các dự án không quan trọng như: lập kế hoạch cho kỳ nghỉ của công ty (company trip), dự án cộng đồng… Tóm lại, cốt lõi của việc này chính là tạo ra “quyền tự chủ” để thế hệ con cháu cảm thấy thực sự được tham gia vào hoạt động kinh doanh.
Sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp gia đình qua nhiều thế hệ là không thể tránh khỏi. Để ngăn ngừa điều đó, các gia đình nên tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến kỳ vọng và nhu cầu của các thế hệ. Giao tiếp giúp mọi người kết nối hơn; đồng thời hãy tạo cơ hội để nâng cao khả năng và gia tăng sự sẵn sàng cho các thế hệ kế thừa đối với công việc kinh doanh của gia đình.
Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu
>> Dành cho doanh nghiệp gia đình:
Chuẩn bị gì để chuyển giao sự nghiệp gia đình cho thế hệ sau một cách thành công?
Kế thừa di sản tại các doanh nghiệp gia đình có luôn là điều tích cực?
Để doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững: cần một “giám đốc gia đình”
Đưa doanh nghiệp gia đình vượt ra khỏi tầm nhìn của Người sáng lập
“Truyền ngôi” trong doanh nghiệp gia đình: vì được kế thừa hay vì xứng đáng?