CƠ HỘI KINH DOANH: Biết xu hướng tìm kiếm trên Google của người Việt để biến thách thức thành cơ hội
Việt Nam là một trong những ngành kinh tế số phát triển nhanh nhất Châu Á với 68 triệu người sử dụng internet trong năm 2020, tăng 39% so với năm 2015. Con số này dự kiến sẽ được tăng lên khi chương trình phổ cập điện thoại thông minh với mục tiêu đạt được tỷ lệ 100% người dân có điện thoại thông minh, và cung cấp những gói dữ liệu mạng di động rẻ nhất trong khu vực được triển khai.
Trong báo cáo “Vietnam’s search for Tomorrow – Insight For Brand”, Google đã xem xét các xu hướng tìm kiếm của mọi người trên khắp đất nước Việt Nam và khám phá cách họ đang ngày càng tích hợp kỹ thuật số vào cuộc sống hàng ngày của mình. Cùng Metta tìm hiểu các xu hướng tìm kiếm trên Google của người Việt để ứng dụng cho doanh nghiệp của mình nhé.
1. Sự gia tăng của người dùng online vùng nông thôn
Mặc dù những khu vực thành thị tiếp tục thống trị về chi tiêu trên môi trường online nhưng các khu vực nông thôn tại Việt Nam cũng đang trở thành thị trường chủ đạo giúp các doanh nghiệp tăng trưởng. Thậm chí các khu vực này cũng đã sẵn sàng tăng trưởng nhanh gấp đôi so với các thành phố lớn khi xu hướng tìm kiếm trên Google có sự góp phần không nhỏ từ khu vực này. Bởi đây là nơi cư trú của hơn một nửa dân số cả nước – một thị trường chưa được khai thác với độ phổ biến của internet ngày càng tăng.
Cụ thể, 77% khu vực nông thôn Việt Nam hiện nay đã truy cập internet, 91% trong số đó truy cập internet mỗi ngày. Internet đã trở thành cầu nối tiếp cận đầu tiên đến các tài nguyên, sản phẩm và dịch vụ cho khu vực nông thôn. Người dân ở đây đang nhanh chóng chuyển sang sử dụng internet để liên lạc, học tập, phát triển bản thân và giải trí.
Từ thực tế này, các marketer có thể tạo ra những thông điệp phù hợp với những đối tượng thuộc xu hướng tìm kiếm này, tận dụng những nhu cầu của họ để mang đến nội dung hữu ích, phù hợp và tạo ra sự kết nối về cảm xúc.
Cụ thể về xu hướng tìm kiếm trên Google của người Việt, YouTube là nền tảng đang ngày càng thu hút người dùng ở khu vực nông thôn bởi nội dung phù hợp, dễ tiếp cận. 97% người dân ở khu vực nông thôn có internet sử dụng YouTube hàng tuần và 62% trong số đó truy cập YouTube mỗi ngày. Tuy nhiên, khi đưa ra quyết định mua hàng, Google vẫn là sự lựa chọn hàng đầu với 45% người tiêu dùng nông thôn sử dụng để tìm kiếm thông tin sản phẩm so với các phương tiện truyền thống (24%) và mạng xã hội (27%).
Trên thực tế, 77% người dùng nông thôn Việt Nam đã nhấp vào Quảng cáo tìm kiếm vì dòng tiêu đề có liên quan.

2. Sự trỗi dậy của dịch vụ theo nhu cầu
Ảnh hưởng của đại dịch trên toàn thế giới đã khiến cho lượng khách hàng đến các cửa hàng giảm mạnh. Dù lệnh giãn cách đã được nới lỏng, người Việt Nam cũng chưa thoải mái khi ra khỏi nhà. Điều này dẫn đến việc phục hồi lượng khách đến cửa hàng vẫn còn “giậm chân tại chỗ”.
Ngay cả trước khi COVID-19 hoành hành, nền kinh tế số vẫn đang trên đà phát triển với người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ muốn chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến vì sự tiện lợi và thoải mái.
Logic ở đây rất đơn giản, “Nếu tôi có thể gọi một chiếc taxi hoặc mua bánh mì từ chính điện thoại của mình, vậy tại sao không thể đặt mua tất cả mọi thứ theo cách tương tự?”.
Trong những năm vừa qua, Google đã nhận thấy sự gia tăng đáng kể trong xu hướng tìm kiếm trên nhiều danh mục. Ví dụ như xu hướng tìm kiếm đối với các nền tảng video phát trực tuyến (livestream) đã tăng gấp hai lần trong nửa đầu năm nay. Xu hướng tìm kiếm trên YouTube cũng tăng lên đối với nội dung truyền thống, chẳng hạn như “tin tức”, cũng như một số nội dung trực tuyến độc đáo như “ASMR” hay “baby bus”.
Tương tự như vậy, lĩnh vực Giáo dục và Quản lý tài chính cũng có sự gia tăng ổn định trong lượt tìm kiếm. Cứ ba người thuộc Gen Z thì có một người đã sử dụng Internet chỉ trong tháng trước để học hỏi và phát triển kiến thức.
Ngoài ra, người tiêu dùng ở Việt Nam cũng đang tích cực chuyển từ các ngân hàng, tổ chức địa phương sang các phương tiện trực tuyến để phục vụ nhu cầu tài chính của họ, dẫn đến xu hướng tìm kiếm và lượt tải xuống các ứng dụng tài chính tăng 33% và lượt tìm kiếm cho “ứng dụng cho vay trực tuyến” tăng 300% trong năm qua.

3. Người tiêu dùng yêu cầu ngày một cao hơn trong việc mua sắm
Khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tích hợp các dịch vụ kỹ thuật số vào cuộc sống hàng ngày của mình, Google nhận thấy họ đang khám phá nhiều kênh và lựa chọn linh hoạt trên hành trình mua hàng của họ. Hành trình mua hàng đã phát triển đáng kể do khả năng truy cập Internet tăng và đại dịch. 83% người Việt Nam hiện dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu sản phẩm trực tuyến trước khi mua hàng. Ra quyết định trực tuyến và mua hàng ngoại tuyến (tại các shop, cửa hàng) là hành vi chủ đạo trên các danh mục chính.
Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam đang đặt ra nhiều câu hỏi được cá nhân hoá hơn. Google nhận thấy sự gia tăng ổn định về sở thích tìm kiếm dành riêng cho nhu cầu và mong muốn của từng người tiêu dùng. Hành trình của người tiêu dùng Việt Nam cũng đang dịch chuyển nhiều hơn trên các phương tiện trực tuyến và mua hàng trực tiếp vì 75% giao dịch là mua hàng trực tiếp, nhưng 62% nghiên cứu về quyết định mua hàng lại từ trên các nền tảng online.
Thực tế, sự thuận tiện vẫn luôn là cốt lõi tạo động lực chính để khách hàng ra quyết định, kể cả các kênh online hay offline. Báo cáo “Vietnam’s search for Tomorrow – Insight For Brand” đã chỉ ra những lý do mua hàng như sau:
Lý do để quyết định mua offline:
- Cần mua ngay
- Muốn nhìn/ chạm/ thử sản phẩm
- Muốn được mua ở cửa hàng có giá ưu đãi/ khuyến mãi tốt hơn
- Không tin tưởng sản phẩm trên mạng
Lý do để quyết định mua online:
- Giao hàng miễn phí
- Có đủ mọi thông tin sản phẩm
- Quy trình mua hàng đơn giản, tiện lợi
- Có ưu đãi/ khuyến mãi
- Giá rẻ hơn mua tại cửa hàng
- Được đặt hàng trước, thanh toán khi nhận hàng (thanh toán COD)
- Được kiểm tra hàng trước khi nhận
- Được đổi trả, bảo hành tận nơi
Ngoài ra, một số người tiêu dùng cũng rất quan tâm những nội dung về cập nhật xu hướng mới, thông tin chia sẻ,… Có lẽ với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, không chỉ riêng về Internet mà còn ở các lĩnh vực khác, người tiêu dùng đang dần hình thành tâm lý sợ bị lạc hậu.
4. Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến sức khỏe
Một lối sống lành mạnh ngày càng quan trọng đối với nhiều người Việt Nam. Bằng chứng là người tiêu dùng Việt đã tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ để cải thiện lối sống và thói quen tiêu dùng của họ.
Theo đó, chất lượng không khí là mối quan tâm chung của cả nước khi ngày càng có nhiều người tìm kiếm từ khóa “ô nhiễm không khí” (tăng 80%) và “máy lọc không khí” (tăng gấp 2 lần). Google đã nhận thấy lượng tìm kiếm các sản phẩm giúp cải thiện môi trường gia đình tăng lên đáng kể.
Người tiêu dùng ngày càng có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình hơn, điều này thể hiện qua lượt tìm kiếm “đồng hồ thông minh” tăng 55% và “tập luyện tại nhà” tăng 60%, cũng như mức tăng 38% trong lượt tải xuống “fitness app”. Trên thực tế, thời gian dành cho mỗi khách truy cập trên các ứng dụng hoặc trang web liên quan đến thể dục/ chế độ ăn uống cũng tăng 62%.
Người dùng internet Việt Nam cũng cho thấy sự quan tâm nhiều hơn đối với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ và tốt cho sức khoẻ mặc dù giá cao hơn, vì Google thấy sự gia tăng trong tìm kiếm về thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như “nước kiềm” (tăng 80%), “bia không cồn” (tăng 250%) và “ít đường” (tăng 100%).
Họ cũng tập trung nhiều hơn vào chế độ ăn uống và ăn uống lành mạnh, với mức tăng 80% lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến chế độ ăn uống.

Nhìn chung, báo cáo này đã cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước đã dần quen với việc lên mạng tìm kiếm các dịch vụ. Họ ưu tiên sự thuận tiện và các nhu cầu được đáp ứng tức thì. Doanh nghiệp cần nắm bắt nhanh chóng những xu hướng tìm kiếm và thay đổi của người tiêu dùng, cũng như tận dụng tốt công nghệ số hoá để được chú ý và gặt hái thành quả như tăng độ nhận diện thương hiệu, doanh số, thu hút thêm khách hàng tiềm năng cho mình.
Nguồn: Think with Google
Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu