Cạnh tranh thông minh: Tại sao cần một câu chuyện thương hiệu đáng nhớ?
Câu chuyện thương hiệu hay brand story là thuật ngữ đã không còn quá xa lạ đối với các nhà tiếp thị xây dựng thương hiệu. Internet và thương mại điện tử mang lại sự tiện lợi cho chúng ta nhưng cũng làm các công ty mất đi sự tương tác trực tiếp với khách hàng. Ngày nay các cuộc hội thoại hỗ trợ khách hàng cũng được thực hiện bởi các rô-bốt máy tính có trí tuệ nhân tạo, thay vì được thực hiện bởi đội ngũ dịch vụ khách hàng. Các quy trình bán hàng, tiếp thị được tự động hoá ngày càng nhiều.
Nhưng khách hàng vẫn là con người, và sự tương tác trực tiếp với khách hàng trở thành một dịch vụ cao cấp có chi phí cao. Năm 2021 là một năm đặc biệt theo nhiều nghĩa. Và cơn đại dịch toàn cầu này làm giúp ta dừng lại một nhịp để tìm lại các giá trị vô hình như cảm xúc, suy nghĩ, ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Và hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt hơn với khách hàng, kéo khách hàng gần lại hơn với mình, tương tác nhiều hơn và duy trì mối dây cảm xúc ở mức độ sâu sắc hơn. Bạn làm điều đó như thế nào? Hãy bắt đầu từ việc kể câu chuyện thương hiệu của chính bạn.
Giá trị của câu chuyện thương hiệu
Thông qua câu chuyện, bạn có thể nhân cách hoá thương hiệu và truyền thông đến khách hàng mục tiêu bạn là ai, bạn làm gì, bạn mang lại giá trị gì cho khách hàng. Càng làm tốt việc này, bạn càng dễ nổi bật và tách ra khỏi đám đông đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc kể chuyện không có nghĩa là bạn có một câu chuyện hấp dẫn hay kể được câu chuyện một cách hiệu quả. Nhiều thương hiệu rơi vào bẫy số lượng, viết nhiều nội dung chủ yếu tập trung vào sản phẩm mà không tạo được sự kết nối với khách hàng.
Có một sản phẩm hay dịch vụ chất lượng là tốt nhưng chưa đủ, bạn cần phải biết cách nói về nó một cách khác biệt để nó nổi bật giữa đám đông. Đó là lý do tại sao bạn cần biết cách kể chuyện.
Thay vì chỉ đơn thuần đưa ra số liệu, bảng biểu thống kê, các dẫn chứng cho khách hàng (tôi không có ý nói là số liệu không hiệu quả), bạn nên tập trung làm sao để tất cả những gì bạn nói đáng nhớ, ý nghĩa và chân thực. Khách hàng có thể quên các chi tiết trong câu chuyện của bạn, cũng chẳng nhớ rõ câu chuyện đó thế nào, nhưng họ sẽ không quên cảm giác mà bạn mang lại cho họ khi họ nghe về câu chuyện đó. (Bạn cũng nên biết rằng chúng ta mua hàng thường không bằng lý trí mà chỉ do cảm xúc chi phối)
Khoa học của việc kể chuyện
Một câu chuyện hay kích thích trí não tạo ra hoạt chất cortisol (chất hoá học gây căng thẳng) hay oxytocin (chất tạo cảm giác thoải mái thích thú). Điều này giải thích tại sao bạn cảm thấy sợ hãi khi xem phim kinh dị hay vui sướng khi các nhân vật chính của một câu chuyện tình yêu cuối cùng đã đến được với nhau. Chúng ta, theo bản năng, bị cuốn vào các cảm xúc mà không cưỡng lại được. Tương tự như vậy, một câu chuyện thương hiệu, như những câu chuyện bất kỳ nào khác, có thể tạo ra cảm xúc kết nối với khách hàng, tạo một ấn tượng sâu đậm kéo dài và giúp xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.
Hãy kể một câu chuyện tuyệt vời
Bất kể sản phẩm, dịch vụ, ngành hàng của bạn là gì, bạn đều có thể có một câu chuyện hấp dẫn. Tuy nhiên, đôi khi, trở ngại lớn nhất là bạn lại chưa hiểu rõ thương hiệu của chính mình – bạn là ai, bạn làm gì, bạn quan tâm điều gì, tại sao bạn làm việc đó. Vì vậy, quay lại với vấn đề cơ bản nhất nhé, bạn cần xác định được giá trị của thương hiệu. Mang một gương mặt cho thương hiệu của bạn và biến nó thành một con người cụ thể và kể về tính cách của người đó.
Hãy nghĩ về sản phẩm hay dịch vụ mà bạn đang cung cấp. Nó có điểm gì đặc biệt, duy nhất, khác lạ, hữu ích vượt trội không? Có cách nào làm khách hàng sử dụng nó mà gây cho họ ngạc nhiên không? Bắt đầu câu chuyện từ một thách thức hay một vấn đề nan giải nào đó là một cách khá thú vị vì người ta thường bị kích thích trí tò mò. Sản phẩm của bạn có thể được xem là một anh hùng mang đến một giải pháp tuyệt vời, làm khách hàng thoả mãn (và họ tiết ra hoạt chất oxytocin tăng sự gắn bó). Trả lời câu hỏi tại sao mà sản phẩm đó được thành hình thực sự có thể mang lại ấn tượng.
Một vị anh hùng thực hiện điệp vụ bất khả thi. Trong tình huống đó người ta thường muốn biết bạn làm điều đó bằng cách nào. Câu chuyện của bạn có thể dẫn đến những yếu tố vô hình liên quan đến sản phẩm, quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đặc biệt đó. Cách làm này còn giúp đề cập đến thông tin sản phẩm một cách nhẹ nhàng, giảm cảm giác quảng cáo, tạo niềm tin khi khách hàng hiểu rõ bạn đã tạo ra sản phẩm cho họ như thế nào.
Có nhiều cách để bạn có thể kể chuyện: bài viết, biểu đồ, phim, hoạt hoạ,… Hãy sáng tạo câu chuyện và lựa chọn cách kể nó một cách hấp dẫn nhất. Một lưu ý quan trọng là dù bạn kể câu chuyện gì đi nữa thì câu chuyện đó phải chân thật. Và trong thời đại mà việc xây dựng một thương hiệu nhân văn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, hãy kể câu chuyện nhân hoá về một thương hiệu mang lại giá trị cho cộng đồng.
Viết bởi đội ngũ Metta Marketing
Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu