Tái định vị thương hiệu: Khi nào doanh nghiệp cần triển khai?
Tái định vị thương hiệu vốn là công việc phức tạp và ẩn chứa rủi ro. Tuy nhiên đây lại là “nước đi” rất cần thiết cho doanh nghiệp khi đang ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đua chinh phục khách hàng. Vậy cụ thể khi nào thì cần tái định vị thương hiệu, và những lưu ý quan trọng nào cho doanh nghiệp đang muốn tái định vị?
Tái định vị thương hiệu là gì?
Quá trình thay đổi một số yếu tố pháp lý gắn liền với doanh nghiệp như tên gọi, logo, tagline (cụm từ nằm dưới logo), thông điệp, bộ nhận diện,… được gọi là tái định vị thương hiệu. Việc thực hiện tái định vị thương hiệu có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó một số lý do có thể kể đến như nâng tầm doanh nghiệp theo bản sắc mới, thay đổi định hướng kinh doanh, thay đổi quy mô doanh nghiệp,…
Tại thị trường Việt Nam, những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến một vài thương hiệu lớn đã tái định vị một cách ấn tượng như Tập đoàn Viễn thông Viettel (đổi bộ nhận diện và tagline), Euro Windows, Biti’s, Coopmart, Gojek (GoViet trước đây),…
Điều này đã phần nào chứng minh rằng, tái định vị là công việc rất quan trọng đối với thương hiệu. Điều này giúp doanh nghiệp trang bị một “chiếc áo” mới, một “ngôn ngữ” mới phù hợp với giá trị mà mình đang theo đuổi.
Những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp bạn cần tái định vị thương hiệu
Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững đều phải luôn biết cách đổi mới, sáng tạo giữa môi trường biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao. Tái định vị được xem là một phần thay đổi của “chu kỳ” tự nhiên ở mọi thương hiệu mạnh. Sau đây là một vài dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cần liên hệ ngay đến một đơn vị xây dựng thương hiệu mạnh để tái định vị cho doanh nghiệp mình.
1. Bối cảnh kinh doanh thay đổi
Không cần đề cập xa xôi, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cả tổ chức đời sống xã hội toàn cầu, thể hiện rõ nét nhất ở xu hướng tiêu dùng hiện đại, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh trong tình hình mới. Thậm chí những yếu tố khác như quy mô doanh nghiệp, khách hàng tiềm năng cũng thay đổi theo tình hình mới, dẫn đến định vị thương hiệu cũ không còn phù hợp.
Vì thế, doanh nghiệp cần tái định vị thương hiệu để trở nên phù hợp với bối cảnh kinh doanh, nhất là với xu hướng chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong thời đại marketing 4.0 đang trong thời hoàng kim, và marketing 5.0 chuẩn bị gõ cửa đến Việt Nam.
2. Hình ảnh thương hiệu khá tương đồng với đối thủ
Nếu như hiện tại tên gọi và các yếu tố khác của doanh nghiệp bạn đang quá “chung chung”, đã đến lúc cần tái định vị thương hiệu. Bởi mỗi thương hiệu đều cần có một bản sắc riêng của mình. Đây là nền tảng để thương hiệu thu hút khách hàng tiềm năng và chứng tỏ sự khác biệt về chất lượng sản phẩm/dịch vụ của mình so với những đối thủ khác.
Bằng việc phân tích đối thủ cạnh tranh qua các yếu tố tương đồng với thương hiệu của mình hiện tại, chúng ta sẽ có những ý tưởng khiến thương hiệu của mình trở nên khác biệt, giúp khách hàng nhận diện thương hiệu mình nhanh chóng hơn.
3. Tốc độ phát triển thương hiệu chưa có tính đột phá
Để phát triển thương hiệu đột phá, doanh nghiệp không hẳn phải từ bỏ những hình ảnh thương hiệu đã gầy dựng trong quá trình dài. Tái định vị thương hiệu để gặt hái những đột phá mới, doanh nghiệp có thể cải thiện những yếu điểm còn tồn tại và phát huy lợi thế của mình.
Một ví dụ điển hình có thể nói đến trong việc tái định vị thành công nhưng vẫn giữ lại cho mình những lợi thế to lớn là thương hiệu Biti’s. Từ thương hiệu được “các bậc phụ huynh săn đón” cho con cái và gia đình, giờ đây Biti’s nói chung và dòng Biti’s Hunter đã trở thành thương hiệu giày có sức hút với cả giới trẻ bằng thông điệp “Đi để trở về”.
Vẫn là thương hiệu giày bền, đẹp, chất lượng cao, nay được thiết kế, sáng tạo nên những kiểu dáng mới lạ, trẻ trung và có ý nghĩa, Biti’s đã thành công trong việc giữ chân khách hàng cũ và chinh phục khách hàng tiềm năng mới đúng với phân khúc mà mình mong muốn.
4. Thương hiệu thâm nhập vào ngành kinh doanh mới
Sẽ không mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp nếu bắt đầu ngành kinh doanh mới với đối tượng khách hàng mục tiêu có nét tương đồng với ngành cũ mà mình đã từng làm. Nhưng nếu chúng ta muốn nhắm vào một thị trường khác, khách hàng khác, chúng ta không thể mặc lại “chiếc áo cũ” ngày hôm qua. Tái định vị thương hiệu sẽ là chiến lược không chỉ giúp doanh nghiệp thoát khỏi “cái bóng” cũ mà còn là cơ hội ngàn vàng để tạo sự khác biệt với đối thủ.
5. Hình ảnh thương hiệu đang bị ảnh hưởng tiêu cực
Ý nghĩa thông điệp được hiểu sai lệch, cách tiếp cận khách hàng không phù hợp, trải nghiệm khách hàng không nhận về những phản hồi tích cực,… là những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp cần tái định vị để tránh những vấn đề tiêu cực khác phát sinh trong trải nghiệm khách hàng, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội,…
Tái định vị thương hiệu muốn thành công liệu có khó?
Như đã nói, tái định vị thương hiệu vốn là quá trình phức tạp và ẩn chứa những rủi ro nhất định. Để thành công, doanh nghiệp cần “thuộc nằm lòng” những lưu ý sau để mang lại những gì tốt nhất cho thương hiệu:
1. Hiểu rõ khách hàng mục tiêu
Tái định vị có làm thay đổi đối tượng khách hàng mục tiêu hay không là câu hỏi đầu tiên mà doanh nghiệp cần trả lời. Vì nếu chuyển hướng sang một nhóm khách hàng mục tiêu khác (thường là scale up, hướng đến nhóm khách hàng cao cấp hơn, hoặc scale down đến nhóm thấp hơn), thì toàn bộ định vị cần thay đổi từ bản chất. Lúc này, không chỉ những cái bên ngoài như logo, tagline, bộ nhận diện,… cần thay đổi mà đòi hỏi một chiến lược thương hiệu mới, thậm chí một đội ngũ nhân lực mới để đáp ứng với yêu cầu này.
2. Hiểu sứ mệnh và giá trị của thương hiệu
Trước khi bắt tay vào việc tái định vị thương hiệu, doanh nghiệp cần xác định lại thật rõ ràng giá trị cốt lõi, sứ mệnh mà mình muốn hướng đến. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải chú ý đến những yếu tố giúp tạo nên sự khác biệt trong thương hiệu. Bằng việc trả lời những câu hỏi sau, doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về sứ mệnh và giá trị mà mình theo đuổi:
- Thương hiệu bạn ra đời vì lý do gì?
- Thương hiệu bạn phù hợp với thị trường bạn muốn hướng đến như thế nào?
- Giá trị thương hiệu mang lại hiện tại là gì? Bạn sẽ mang lại cho khách hàng những gì? Những giá trị đó có đáp ứng được nhu cầu cơ bản của khách hàng hay không?
- Thương hiệu bạn sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình như thế nào?
3. Chiến lược phù hợp
Hãy đảm bảo tận dụng tối đa những nguồn lực mà doanh nghiệp hiện tại đang sở hữu để tối ưu chi phí cho chiến lược tái định vị thương hiệu. Từ nguồn lực hiện có, hãy xem xét mức độ khả thi của chiến dịch (mục tiêu, thời gian, ngân sách,…) có phù hợp hay chưa. Bởi chiến lược tái định vị thương hiệu cần sự nhất quán, “nói đi đôi với làm”, và mọi hoạt động của doanh nghiệp phải phù hợp với quá trình tái định vị mà mình đã vạch ra. Dưới đây là một số các mục tiêu mà bạn cần lưu ý khi đề xuất chiến lược tái định vị thương hiệu:
- Brand Sale – Mục tiêu doanh số (bao gồm volume sales – sản lượng bán, và value sales – doanh thu bán hàng)
- Brand Share – Mục tiêu thị phần
- Brand Growth – Mục tiêu tăng trưởng
4. Cân nhắc sự cạnh tranh trên thị trường
Khi tái định vị thương hiệu, có thể thị trường bạn hướng đến sẽ thay đổi và đối thủ có thể tăng lên. Chính vì thế, hãy phân tích thật kỹ đối thủ cạnh tranh của bạn. Chúng ta cần làm gì để nổi bật, khác biệt hơn so với những gì mà đối thủ đang có? Để có được câu trả lời chính xác, bạn hãy giải mã những câu hỏi như:
- Đâu là đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp trong hiện tại, và ai có thể là đối thủ tiềm năng?
- Sản phẩm/dịch vụ nào của đối thủ nổi bật nhất trong năm vừa qua?
- Doanh số, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đang chênh lệch so với đối thủ như thế nào?
- Lợi thế doanh nghiệp đang có là gì? Khác biệt hoá ở đâu và có thể duy trì khác biệt hoá hay không?
5. Lưu giữ tài nguyên số
Trong quá trình tái định vị thương hiệu, doanh nghiệp nên cẩn thận lưu trữ lại những tài nguyên số như các kênh truyền thông, nhất là nội dung website. Chắc chắn sẽ có những tài liệu vẫn giữ nguyên giá trị ngay cả khi doanh nghiệp tái định vị thương hiệu. Vì thế, hãy lập kế hoạch mang những nguồn tài nguyên số trước đó đến với những hoạt động, các kênh của thương hiệu bằng liên kết chuyển hướng. Điều này sẽ giúp trải nghiệm của khách hàng được tốt hơn khi không bị gián đoạn trong quá trình tìm kiếm về doanh nghiệp.
Tái định vị thương hiệu sẽ không phải là “nước cờ mạo hiểm” nếu doanh nghiệp có cái nhìn rõ ràng về bối cảnh chung của thị trường và nhu cầu phát triển của chính mình. Nếu bạn vẫn còn đắn đo về việc phát triển thương hiệu, đội ngũ marketing và chuyên gia xây dựng thương hiệu Metta sẵn sàng đồng hành để cùng bạn đem về những thành quả như mong đợi. Liên hệ ngay email phung.metta@metta.com.vn để được chúng tôi tư vấn.
Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu