Bài toán thu hút nhân tài: Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng như thế nào?
Khi mới bắt đầu công việc marketing của mình, bộ phận nhân sự (HR) đã đến gặp tôi để nhờ giúp đỡ quảng bá trang Tuyển dụng của công ty. Khi ấy, tôi đã từ chối và trả lời đại khái rằng: “Công việc của tôi là thúc đẩy và mang lại khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp, không phải quảng cáo các vị trí tuyển dụng.”
Không cần phải nói, quan điểm hạn chế của tôi về vai trò của hoạt động tiếp thị sẽ không còn tác động đến ngày hôm nay. Cho đến hiện tại, tôi đã loại bỏ tư duy thiển cận ấy về hoạt động tiếp thị. Cuộc chiến cạnh tranh để thu hút nhân tài đang diễn ra khốc liệt hơn bao giờ hết, với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, những vị trí được cho là nhiều người mong muốn bắt đầu thiếu nhân sự, những nhân tài hàng đầu được tự do lựa chọn doanh nghiệp tuyển dụng mà mình mong muốn.
Các tổ chức không thể thực hiện các chiến lược kinh doanh nếu họ không tìm được người phù hợp với từng vị trí; Làm thế nào để doanh nghiệp của bạn phát triển nếu không có người thực thi? Câu trả lời là không thể, và bạn cần liên tục thu hút, trao quyền, truyền cảm hứng và giữ chân nhân tài.
Cũng giống như các tổ chức cạnh tranh giành khách hàng bằng cách khác biệt hóa giá trị sản phẩm, họ cũng phải cạnh tranh để tìm kiếm nhân tài bằng cách khác biệt hóa trải nghiệm của nhân viên. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo ra điều này là thương hiệu nhà tuyển dụng, gắn liền với văn hoá doanh nghiệp. Thông điệp chính cần được truyền đạt là về lý do tồn tại, mục đích của tổ chức và những gì tổ chức mong muốn trở thành. Thương hiệu nhà tuyển dụng giúp thể hiện rõ văn hoá doanh nghiệp và giúp ứng viên cảm nhận được sức mạnh của tổ chức để tham gia ứng tuyển.
Thương hiệu nhà tuyển dụng cực kỳ quan trọng là vậy, và ngày nay nó không thể chỉ là trách nhiệm của bộ phận nhân sự; mà tiếp thị cũng phải đóng một vai trò tích cực trong quan hệ đối tác với nhân sự và thu hút nhân tài.
Institute for Corporate Productivity – Viện Nghiên cứu hiệu quả lao động doanh nghiệp (i4cp), gần đây đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 540 chuyên gia, được công bố trong một báo cáo có tiêu đề “Tái tạo nhân tài: Làm chủ thương hiệu nhà tuyển dụng”. Chúng tôi nhận thấy rằng, trong khi chưa đến một phần ba (27%) doanh nghiệp thực hiện phối hợp giữa bộ phận nhân sự và tiếp thị để xác định chiến lược thương hiệu nhà tuyển dụng; các doanh nghiệp hiệu suất cao có khả năng kết hợp hai bộ phần này cao hơn gấp sáu lần. Bộ phận nhân sự và tiếp thị trong các công ty này cũng có khả năng chia sẻ trách nhiệm chung trong việc xây dựng và truyền thông thương hiệu nhà tuyển dụng cao hơn 1,5 lần.
Vậy, mối quan hệ hợp tác giữa nhân sự và tiếp thị trông như thế nào? Dưới đây là năm cách mà hai bộ phận này có thể cùng hoạt động và hỗ trợ lẫn nhau:
Tạo chiến lược đa phương tiện và đa kênh thu hút nhân tài
Người làm nhân sự có thể biết ai là nhân tài. Nhà tiếp thị lại có thể hiểu rõ các kênh và phương pháp để quảng cáo. Do đó, hai bộ phận nên làm việc cùng nhau để xác định chiến lược tốt nhất nhằm tiếp cận ứng viên.
Phác họa chân dung
Cũng giống như tiếp thị cần xác định chân dung khách hàng để làm rõ hơn các đặc điểm chính của khách hàng tiềm năng, việc chiêu mộ nhân tài nên bắt đầu bằng việc xác định tính cách của những tài năng chính mà họ muốn thu hút và tuyển dụng. Công việc này chắc chắn cần có sự phối hợp cao độ, bao gồm việc xác định những câu hỏi phù hợp để đặt ra, chẳng hạn như “Làm thế nào để nhãn hàng khác biệt hoá với đối thủ cạnh tranh?” hay “Làm thế nào để chúng tôi thu hút nhân tài để họ muốn trở thành một phần của tổ chức và ở lại?”.
Góp phần trong việc kể chuyện thương hiệu
Tôi tin rằng thước đo tác động lớn nhất đến hiệu quả của thương hiệu nhà tuyển dụng là khả năng truyền thông thương hiệu của nhân viên. Hơn nữa, thông điệp thương hiệu phải nhất quán giữa nhân viên, bộ phận thu hút nhân tài (talent acquisition) và tiếp thị. Bộ phận tiếp thị phải đóng vai trò cốt lõi trong việc kiểm soát thông điệp, đồng thời hỗ trợ việc xác định và truyền đạt những câu chuyện phù hợp.
Hỗ trợ lựa chọn các kênh truyền thông
Có nhiều cách để truyền đạt câu chuyện thương hiệu, và không ai có thể làm điều này tốt hơn nhà tiếp thị. Giúp phòng nhân sự và bộ phận thu hút nhân tài xác định các kênh phù hợp để tiếp cận nhóm nhân tài mục tiêu và cách sử dụng các kênh đó hiệu quả nhất có thể vẫn là một chặng đường dài phía trước.
Đặc biệt là đối với các công ty B2B, LinkedIn là một kênh quan trọng để tương tác với cả khách hàng và nhân viên tiềm năng; marketing và talent acquisition (thu hút nhân tài) phải ở phía sau hỗ trợ định hướng và cách công ty sử dụng LinkedIn.
Đo lường thành công
Theo dõi mức độ thành công của các chiến lược xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng có thể trở thành hoạt động mở rộng trong marketing analysis (phân tích tiếp thị) hiện có. Theo dõi bảng xếp hạng và giải thưởng “nhà tuyển dụng tốt nhất”, tương tác trên mạng xã hội và khả năng truyền thông thương hiệu của nhân viên đến những người khác là tất cả những giải pháp hiệu quả để đo lường thành công.
Một điều thú vị, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ có 16% tổ chức theo dõi xếp hạng của Glassdoor, mặc dù có mối tương quan cao đối với cả hiệu suất thị trường và hiệu quả thu hút nhân tài.
Thu hút đúng nhân tài cũng quan trọng như thu hút khách hàng mới. Việc thiết lập thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh nên là một phần trong chiến lược xây dựng thương hiệu của bất kỳ tổ chức nào, vì vậy, lần tới khi bộ phận nhân sự nhờ bạn giúp đỡ, bạn nên lắng nghe. Tốt hơn hết, hãy chủ động và cùng nhau bắt tay vào thực hiện. Lợi thế cạnh tranh của bạn đang bị đe dọa nếu bạn vẫn còn chủ quan và đánh giá thấp hoạt động xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng.
Hãy để Metta là chuyên gia tư vấn giúp bạn cải thiện và nâng cao thương hiệu nhà tuyển dụng. Bạn muốn tư vấn chiến lược cụ thể hoặc cần bất kỳ sự hỗ trợ nào, để lại thông tin tại phung.metta@metta.com.vn, chúng tôi cam kết bảo mật thông tin cho quý doanh nghiệp.
Nguồn: https://www.forbes.com/sites/forbescommunicationscouncil/2019/01/23/marketing-and-hr-should-work-together-to-take-the-employer-brand-to-the-next-level/
Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu