Dự đoán xu hướng tiêu dùng “Tết digital” 2022 và cách để kết nối với khách hàng
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm ngoái, nhiều thương hiệu tại Việt Nam đã phải học cách thích ứng với những thay đổi chưa từng có trong hành vi của người tiêu dùng. Vậy trong mùa tết 2022 sắp tới, các thương hiệu có thể chuẩn bị và thực thi những cách nào để kết nối hiệu quả với khách hàng Việt khi họ rất có thể phải đón một cái “Tết digital” do ảnh hưởng của dịch bệnh? Cùng Metta khám phá ngay xu hướng tiêu dùng trong dịp Tết này nhé!
Vì sao lại là “Tết digital”?
Tết 2021 đã không phải là một dịp lễ nhộn nhịp như nhiều năm trước. Bởi những đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng và quy định giãn cách đã giữ chân mọi người ở nhà. Điều này dẫn đến lượt ghé đến những cửa hàng bán lẻ và địa điểm giải trí trong Tết 2021 giảm đến 39% so với Tết 2020 bởi xu hướng tiêu dùng đã phần nào thay đổi.
Dù vậy, người dân Việt Nam vẫn luôn lạc quan và hy vọng về một diễn biến tốt hơn. Một cuộc khảo sát được Google thực hiện vào tháng 5/2021 cho thấy 70% người dùng trực tuyến đã tìm những cách mới để tổ chức kỳ nghỉ ở nhà. Số lượt tìm kiếm từ khóa “xem gì hôm nay” tăng 200% so với năm trước. Xu hướng tiêu dùng theo đó cũng có những thay đổi cụ thể, người tiêu dùng bắt đầu mua sắm online cho dịp lễ này nhiều hơn với mức tăng từ 20 đến 25% trong doanh thu bán hàng trực tuyến ngay trước tết 2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù Tết Nhâm Dần 2022 sẽ có thể có những hạn chế tương tự hoặc khó khăn hơn so với năm 2021 nhưng 64% người tiêu dùng vẫn tin rằng Tết vẫn sẽ có những điều thú vị của riêng nó. 95% những người được khảo sát cũng dự định sẽ khởi đầu một năm mới bằng một hoặc nhiều hơn những “giải pháp số”.
Vậy khi Tết – dịp lễ truyền thống quan trọng với người Việt – đang được “online hóa” với những xu hướng tiêu dùng mới, các thương hiệu có thể làm gì để kết nối với khách hàng? Dưới đây là một số cách để điều chỉnh chiến lược marketing mà thương hiệu có thể tham khảo.
Tiếp cận ngay từ phòng khách gia đình
Từ trước đến nay, Tết luôn là dịp giúp các chương trình tạp kỹ phát sóng chiếm ưu thế trên màn ảnh nhỏ, người Việt đã quá quen thuộc với hình ảnh cả gia đình cùng quây quần bên mâm cỗ ngày Tết và xem “Táo Quân”. Điều này đã tạo nên nhận định rằng quảng cáo trên sóng truyền hình là cách tối ưu để tiếp cận khách hàng trong mùa Tết.
Tuy nhiên hiện nay, với tốc độ phát triển của các thiết bị công nghệ, các chương trình trên sóng truyền hình không còn là cách duy nhất cho người Việt Nam sử dụng để giải trí. Với xu hướng tiêu dùng mới, ngày càng có nhiều người sở hữu Smart TV có tính năng kết nối với các nền tảng khác như YouTube. Việc xem các video trên YouTube bằng tivi đã trở thành hình ảnh không còn hiếm thấy trong phòng khách của nhiều gia đình Việt.
Tính đến năm 2020, 92% Smart TV được mọi người sử dụng để phát nội dung YouTube. Đến tháng 5 năm 2021, hơn 25 triệu người Việt Nam đang xem YouTube trên màn hình TV trong phòng khách của họ. Trong Tết 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, 48% người dùng cũng đã dành nhiều thời gian hơn để xem TV.
Dịp Tết năm ngoái, mọi người nghe nhạc, xem hài kịch và các chương trình tết trên YouTube. Theo đó, lượt tìm kiếm trên YouTube về các chương trình đã được phát trực tiếp trên TV tăng đột biến 12 lần so với ngày thường. Các video có nội dung âm nhạc cũng đạt mức người xem cao nhất 54%. Vì thế, với số người theo dõi YouTube không hề nhỏ này, các thương hiệu có thể lập kế hoạch cho chiến dịch Tết của mình để tiếp cận khách hàng từ chiếc TV trong phòng khách gia đình.
Doanh nghiệp có thể cung cấp các nội dung phổ biến thường thấy vào dịp Tết để cùng với khách hàng chào đón năm 2022 theo xu hướng tiêu dùng mới. Để chiếm được thị phần cạnh tranh về tiếng nói và xây dựng kết nối độc quyền, hãy cộng tác với những người làm sáng tạo nội dung. Thực tế, một số thương hiệu đã thành công khi hợp tác cùng những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên YouTube để tạo ra những sản phẩm mang lại tiếng cười, giúp khán giả thích thú, tiếp cận hàng triệu người xem mới.
Ví dụ điển hình có thể kể đến là thương hiệu Việt Nam Highlands Coffee. Tết 2020, Highlands Coffee đã hợp tác với Huỳnh Lập Official – kênh YouTube hàng đầu với hơn 3.2 triệu người đăng ký. Video “Tết Ngưng Cà Khịa – Chuyện Thêm Bùi Tai” vừa mang lại cho khán giả những tràng cười sảng khoái, vừa quảng bá được sản phẩm trà sen vàng một cách mượt mà, thú vị.
Từ những nền tảng hiện có, thương hiệu có thể mở ra tiềm năng của YouTube trên TV để tiếp cận hàng triệu người trên khắp cả nước trong dịp Tết. Việc tạo các chiến dịch có thể giúp cho doanh nghiệp hệ thống hóa số liệu về nhận thức, ý định mua hàng và nâng tầm thương hiệu phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng.
Địa phương hóa nội dung cho xu hướng tiêu dùng ở nhiều khu vực
Trên mặt trận digital, sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ vùng miền của Việt Nam được hiển thị trên thanh tìm kiếm, nhất là vào dịp Tết.
Năm ngoái, lượt tìm kiếm “hoa tết” đã tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019 và các từ khóa tìm kiếm được phân bổ theo từng vùng. Cụ thể, “hoa đào” là từ khóa phổ biến ở miền Bắc và “hoa mai” là từ khóa được tìm nhiều tại khu vực miền Nam. Tương tự, lượt tìm kiếm “dân ca” cùng những từ khóa tìm kiếm về âm nhạc truyền thống như “dân ca quan họ”, “dân ca xứ Nghệ” cũng tăng đột biến theo từng vùng miền.
Từ thực tế trên, chúng ta có thể rút ra bài học: Không có cách tiếp cận chung cho tất cả mọi người đang ở trong một thị trường đa dạng văn hóa và ngôn ngữ như Việt Nam. Vì vậy, để kết nối với khán giả trước, trong và sau Tết, doanh nghiệp cần “địa phương hóa” thông điệp và quảng cáo của mình để phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong từng khu vực. Với các công cụ như “Sub-location” trong Reach Planner (công cụ lập kế hoạch tiếp cận), các thương hiệu có thể cung cấp nội dung phù hợp với khán giả ở các khu vực cụ thể.
Chiến dịch quảng cáo truyền hình và YouTube kéo dài 8 tuần của P&G cho thương hiệu dầu gội đầu Pantene là một ví dụ. Để thúc đẩy sự phát triển thương hiệu ở khu vực miền núi trung du phía Bắc, P&G đã phân phối quảng cáo cụ thể cho những người sống ở khu vực này. Kết quả là công ty này đã có thể đo lường phạm vi tiếp cận và tăng các chỉ số cho thị trường ưu tiên của mình.
“Chiến thắng ở khu vực nông thôn là điều quan trọng đối với tất cả các tập đoàn đa quốc gia. YouTube đã tăng phạm vi tiếp cận, gia tăng chất lượng thành công và sẽ đóng vai trò quan trọng cho các chiến dịch xây dựng thương hiệu của P&G trong tương lai” – Ông Tommy Nguyễn, Giám đốc truyền thông cấp cao của P&G Việt Nam chia sẻ.
Quảng cáo VAC trên YouTube để thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến
Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày một có thói quen lựa chọn các nền tảng thương mại điện tử để làm mới bản thân, trang trí nhà cửa và tặng quà vào dịp Tết. Tháng 1 năm 2021, nền tảng mua sắm trực tuyến Tiki đã ghi nhận lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nghiên cứu từ Google cho thấy xu hướng tiêu dùng trực tuyến sẽ gia tăng, 39% khách hàng cho biết họ sẽ có kế hoạch mua hàng trực tuyến nhiều hơn vào năm dịp Tết 2022.
Cùng với Google Tìm kiếm, YouTube là một trong những điểm chạm quan trọng trong xu hướng tiêu dùng với 80% người dùng chuyển đổi giữa hai nền tảng khi nghiên cứu sản phẩm. Bằng cách sử dụng chiến dịch quảng cáo VAC (Video Action Campaign) trên YouTube, các thương hiệu có thể kết nối khách hàng khi họ đang tìm kiếm video để xem trên YouTube và hướng họ đến các cửa hàng trực tuyến.
Thương hiệu làm đẹp L’Oréal đã thành công khi kết hợp với Shopee để hợp tác cùng Google, giới thiệu các sản phẩm chăm sóc da của mình trên YouTube. Nhờ vậy mà L’Oréal đã thúc đẩy lượng truy cập đến cửa hàng của mình trên nền tảng Shopee.
Cụ thể, khi người tiêu dùng xem qua các bài đánh giá chăm sóc da trên YouTube, họ đã nhìn thấy quảng cáo VAC của L’Oréal, Google và Shopee trong khi xem video. Trên nguồn cấp dữ liệu Trang chủ YouTube, khách hàng cũng dễ dàng thấy các video quảng cáo và danh sách sản phẩm nằm xen kẽ giữa các nội dung không phải trả tiền khác. Vì thế, khi khách hàng nhấp vào một sản phẩm hiển thị từ quảng cáo VAC, theo xu hướng tiêu dùng này, họ sẽ được chuyển hướng đến cửa hàng Shopee của L’Oréal.
Cùng lúc đó, thương hiệu này cũng chạy Chiến dịch Mua sắm thông minh (Smart Shopping Campaign) để retarget (nhắm chọn lại) khách hàng trên Google Tìm kiếm, YouTube và Display để đưa khách hàng về với cửa hàng trực tuyến của mình. Bằng cách này, L’Oréal đã nắm bắt thành công xu hướng tiêu dùng và đạt được khoảng 2 lần lợi tức trên chi tiêu quảng cáo.
Quảng cáo chiến dịch của L’Oréal xuất hiện trên trang chủ YouTube
Tết 2022 được xem là một trải nghiệm đón Tết “digital hóa” đối với mọi người dân Việt Nam. Dựa vào những thông tin về xu hướng tiêu dùng trên, các thương hiệu có thể áp dụng để lập kế hoạch trước và kết nối hiệu quả với khách hàng khi năm mới sắp gõ cửa. “Đọc vị” được khách hàng và sở hữu nhiều chiến dịch thành công, thương hiệu sẽ ghi lại dấu ấn trong tim người tiêu dùng và đạt được những con số mà mình mong đợi.
Nguồn: Think with Google
Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu