21 xu hướng marketing trong năm 2022 bạn cần biết

Xã hội con người không ngừng thay đổi, và một chiến lược “marketing vị nhân sinh” đòi hỏi người làm marketing luôn cần phải theo sát sự thay đổi này. Bài viết này sẽ đưa ra những dự đoán về xu hướng marketing tác độngt rực tiếp đến doanh nghiệp trong năm 2022.

Để lập một kế hoạch ngắn hạn vững chắc, điều quan trọng là cần xem xét bạn đang hướng tới điều gì trong dài hạn. Không ai có thể nói chắc chắn 100% tương lai của marketing sẽ như thế nào, nhưng các chuyên gia trong ngành có thể dựa vào những hiểu biết để đưa ra dự đoán về một số khả năng cao có thể xảy ra.

Năm 2022 sẽ thay đổi bộ mặt của marketing như thế nào? Trên thực tế, những người lập kế hoạch hoạt động marketing một cách tỉ mỉ đều dựa trên những hiểu biết của họ trong giai đoạn đầu năm để quyết định có nên loại bỏ kế hoạch cũ và bắt đầu lại từ đầu.

Nhưng có một số điều chúng ta có thể chắc chắn rằng: tương lai của marketing và kinh doanh sẽ đa màu sắc hơn, toàn diện, và kết nối với nhu cầu khách hàng thực sự.

Công nghệ liên tục phát triển với tốc độ nhanh chóng, do đó, những xu hướng dưới đây đều tập trung vào công nghệ. Tuy nhiên, có một số rào cản đối với sự phát triển của số hóa và tự động hóa các tương tác giữa thương hiệu và người tiêu dùng.

Mặc dù các công nghệ như AI và marketing dựa trên dữ liệu vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng trọng tâm vẫn là con người, không phải công nghệ.

Bài học rút ra nhanh:

  • Các xu hướng marketing sẽ thống trị trong 12 tháng tới bao gồm Trải nghiệm khách hàng, Tương tác của nhân viên và Hình ảnh hóa nội dung.
  • Định nghĩa về “marketing” liên tục thay đổi và ngày càng trở nên rộng hơn.
  • Marketing đã không chỉ dừng lại ở việc xây dựng thương hiệu và quảng cáo; các nhà tiếp thị phải kết hợp với các bộ phận khác để tập trung vào việc xây dựng trải nghiệm khách hàng thật tốt và tương tác với họ để tạo ra mối quan hệ lâu dài.

1.      Trải nghiệm khách hàng đẳng cấp thế giới

Từ trước đến này, khách hàng luôn là mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp. Chúng ta đang dần nhìn thấy sự thay đổi về định nghĩa thực sự của marketing. Nó không còn dừng lại ở việc cố gắng thuyết phục mọi người mua hàng hoặc tương tác với doanh nghiệp của bạn. Thay vào đó, marketing đã ưu tiên việc cung cấp trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng để khiến họ quay lại nhiều hơn. Khi bạn tập trung vào việc xây dựng văn hóa tích cực cho doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ tốt, marketing sẽ giúp bạn thực hiện điều đó. Không chỉ vì khách hàng dễ mất kiên nhẫn, mà họ cũng muốn những sản phẩm được đến tay họ theo cách tốt nhất, giống như được nhìn thấy một món cá bình dân bày trên một chiếc đĩa bạc đẹp mắt.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng mong đợi được trải nghiệm liền mạch trong hành trình mua hàng của mình, từ bước đầu tiên khi doanh nghiệp quan tâm đến họ, đến giai đoạn chăm sóc khách hàng sau khi mua hàng. Từ thông điệp được cá nhân hóa giúp khách hàng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định mua hàng, cho đến văn hóa tập trung vào khách hàng trong suốt hành trình của họ, những điều này sẽ tạo ra những kênh bán hàng chất lượng và giúp doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền hơn.

Ngoài việc cá nhân hóa các thông điệp marketing, hãy tìm cách lắng nghe và phản hồi những câu hỏi của khách hàng. Phối hợp team digital marketing, bán hàng và chăm sóc khách hàng để cung cấp những dịch vụ chất lượng trong suốt trải nghiệm của người mua.

Sự phát triển của nội dung trực tuyến đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều quyền lực hơn. Họ không còn bị động khi tìm hiểu sản phẩm. Họ không còn chờ đợi doanh nghiệp của bạn để hỏi về sản phẩm của bạn có tốt không. Thay vào đó, họ đi ra ngoài và tự nghiên cứu.

Vì vậy, bạn phải cung cấp cho họ nhiều thứ hơn là thông tin. 73% người nói rằng trải nghiệm khách hàng là yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng của họ, nhưng hiện chỉ có 49% người tiêu dùng Mỹ nói rằng các công ty ngày nay cung cấp trải nghiệm tốt.

Chính xác thì điều gì tạo nên một trải nghiệm khách hàng tuyệt vời? Hiệu quả, sự tiện lợi, dịch vụ mang tính hiểu biết và thân thiện cũng như các tùy chọn thanh toán dễ dàng là những gì mọi người đánh giá cao nhất trong trải nghiệm khách hàng của họ. Nhưng những khía cạnh mang tính truyền thống hơn cũng được xem là các yếu tố marketing được khách hàng chú trọng: bao gồm sự cập nhật công nghệ, cá nhân hóa, trải nghiệm trên thiết bị di động dễ dàng, hình ảnh thương hiệu, và thiết kế; tất cả đều bổ sung vào nhiệm vụ hỗ trợ trải nghiệm khách hàng.

Nguồn: https://www.pwc.com/us/en/advisory-services/publications/consumer-intelligence-series/pwc-consumer-intelligence-series-customer-experience.pdf
Nguồn: https://www.pwc.com/

Xây dựng các mối quan hệ với khách hàng để thúc đẩy lòng trung thành, xứng đáng với từng đồng mà doanh nghiệp bỏ ra. Như các chuyên gia quản lý tại Bain and Company đã chỉ ra rằng, chỉ cần tỷ lệ giữ chân khách hàng tăng lên 5% sẽ làm tăng lợi nhuận lên đến 25%.

Bạn có thể tưởng tượng được lợi nhuận sẽ tăng vọt như thế nào nếu bạn nâng cao việc cung cấp các loại trải nghiệm không chỉ để xây dựng lòng trung thành mà còn tạo ra các lượt giới thiệu chất lượng từ khách hàng không? Khi bạn phối hợp chiến lược digital marketing với tất cả các team khác để cung cấp những trải nghiệm này, bạn sẽ gia tăng lợi nhuận vượt xa hơn cả mong đợi.

Nói cách khác, bạn cần xem xét trải nghiệm khách hàng ở mọi khía cạnh trong chiến lược marketing của mình. Đây là cách bạn có thể cung cấp trải nghiệm tuyệt vời để giữ chân khách hàng và thu hút khách hàng mới.

Trên thực tế, khi lướt qua các xu hướng trong bài viết này, bạn sẽ thấy rằng mọi xu hướng thực sự chỉ là một yếu tố của trải nghiệm tổng thể.

2.      Employee Activation: Thúc đẩy nhân viên tạo ra sự tương tác vượt trội với khách hàng

Nếu dịch vụ hiệu quả và thân thiện là nền tảng của một trải nghiệm khách hàng tuyệt vời, thì làm cách nào để bạn có thể biết được bạn có đang cung cấp dịch vụ đạt tiêu chuẩn trên hay không? Câu trả lời nằm ở nhân viên của bạn. Một nghiên cứu trước đây cho thấy 46% người tiêu dùng sẽ từ bỏ một thương hiệu nếu nhân viên tại đó không có sự hiểu biết, và thái độ của nhân viên không tốt là yếu tố số một khiến khách hàng ngưng sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của công ty.

Nguồn: https://www.pwc.com/us/en/advisory-services/publications/consumer-intelligence-series/pwc-consumer-intelligence-series-customer-experience.pdf
Nguồn: https://www.pwc.com/

Tôi gọi đây là hoạt động “employee activation”. Nhân viên của bạn là bộ mặt đại diện cho thương hiệu, vì vậy việc tập trung vào tương tác giữa nhân viên và khách hàng nên là một phần quan trọng trong chiến lược marketing. Khi bạn giao trách nhiệm tạo ra một dịch vụ khách hàng tuyệt vời cho nhân viên của mình, bạn cần đảm bảo rằng họ cũng giống như bạn, muốn doanh nghiệp thành công.

Chìa khóa của điều này là xây dựng một nền tảng vững chắc trong việc kết nối với nhân viên và thực hiện các bước để đảm bảo mọi nhân viên đều hiểu và phù hợp với sứ mệnh và giá trị thương hiệu của bạn.

Bạn không thể mong đợi nhân viên của mình thật sự quan tâm đến khách hàng nếu họ không hài lòng với công việc của họ và không thực sự tin tưởng vào những gì doanh nghiệp của bạn đang làm. Vì vậy, doanh nghiệp kết nối tốt với nhân viên là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Để kết nối tốt với nhân viên đòi hỏi bạn phải biến nơi làm việc trở nên hấp dẫn đến mức tạo ra niềm vui cho nhân viên và để họ lan tỏa điều đó đến khách hàng. Thật vậy, một nụ cười và thêm một chút nỗ lực để tạo nên sự hài lòng thực sự là một trong những hình thức marketing hiệu quả nhất hiện có. Trên thực tế, các công ty kết nối tốt với nhân viên của mình sẽ làm việc hiệu quả hơn gấp đôi.

Tuy nhiên, việc thuyết phục các công ty đối xử với nhân viên của mình như những đối tác có giá trị thay vì như những người giúp việc trong nhà, được so sánh với việc đi lên cung trăng – là một vấn đề thực sự khó khăn.

Tuy nhiên, khi bạn thúc đẩy (activate) được nhân viên của mình, đó là hoạt động marketing hiệu quả. Hoạt động activation bao gồm việc cho nhân viên của bạn trở thành các bảng quảng cáo (billboards) biết đi cho công ty, bao gồm:

  • Đào tạo: không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về sản phẩm của doanh nghiệp mà còn cho phép họ thăng tiến trong công ty – thông thường bạn sẽ yêu thích một công ty đào tạo theo một quy trình chất lượng đến khi đủ điều kiện để làm tốt công việc.
  • Cho phép đăng nội dung lên mạng xã hội và những nơi khác về văn hóa, sản phẩm và dịch vụ của công ty bạn.
  • Cho phép họ tham gia tạo các bài đăng trên blog, video, white-paper và các nội dung marketing “chính thức” khác, tạo ra một nền tảng mà trên đó họ có thể thể hiện kiến ​​thức chuyên môn của mình.

Một khi doanh nghiệp của bạn chia sẻ “tình thương” với nhân viên của mình và được họ đáp lại thì bạn đã thành công. Nó không chỉ mang lại hiệu quả tốt mà còn có thể tạo ra tác động lớn đến lợi nhuận của bạn.

Trên thực tế, khách hàng tiềm năng mà nhân viên của bạn tạo ra thông qua các bài đăng tiếp thị trên mạng xã hội có khả năng chuyển đổi cao hơn gấp bảy lần so với khách hàng tiềm năng mà bạn tạo ra thông qua các kênh khác – theo Sociabble. Ngoài ra, nội dung mà họ chia sẻ sẽ có mức độ tương tác cao hơn tám lần so với nội dung mà bạn chia sẻ trên các kênh thương hiệu chính thức của mình.

3.      Hình ảnh hóa nội dung theo hướng câu chuyện

Với sự phát triển của các trợ lý ảo trên các thiết bị thông minh trong những năm gần đây như “Tìm kiếm bằng giọng nói” (Voice Search) hay “Loa thông minh” (Smart Speakers), cho dù bạn nghĩ rằng “nội dung có thể đọc được sẽ quan trọng hơn là hình ảnh và thiết kế” cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không hề đúng. Mặc dù những tiến bộ của ứng dụng Tìm kiếm bằng giọng nói chắc chắn ảnh hưởng đến cách chúng ta tạo nội dung trong thời điểm hiện tại và tương lai, nhưng bạn cũng không nên bỏ qua nội dung trực quan (visual content: nội dung tiếp thị bằng hình ảnh bắt mắt).

Nghiên cứu đã chỉ ra  rằng mọi người thích nội dung trực quan hơn là văn bản thuần túy. Bạn chỉ cần nhìn vào sự phát triển của các nền tảng tập trung vào hình ảnh như Pinterest và Instagram để thấy bằng chứng về điều này.

xu hướng marketing

Google, Pinterest và một số công ty khác cũng đang đầu tư vào công nghệ tìm kiếm bằng hình ảnh. Hình ảnh chiếm 19% lượt tìm kiếm trên Google và  62% thế hệ Millennials (thế hệ trẻ sau gen Z) cho biết họ quan tâm đến tìm kiếm hình ảnh hơn bất kỳ công nghệ mới nào khác.

xu hướng marketing

Hình ảnh cũng dễ nhớ hơn nội dung bằng văn bản. Thêm những dữ liệu đã được hình ảnh hóa (data visualizations), infographics, hình ảnh và video vào văn bản của bạn, không chỉ làm cho văn bản của bạn trở nên thú vị và hấp dẫn hơn mà còn có thể giúp thông điệp của bạn được người xem tiếp thu tốt hơn.

4.      Cá nhân hóa: Xu hướng marketing giúp bạn chạm đến trái tim khách hàng

Khi một khách hàng đứng trước 2 sự lựa chọn về sản phẩm tương đối giống nhau, và cô ấy cần quyết định sẽ mua sản phẩm nào, sự đầu tư của bạn cho thương hiệu sẽ chiếm được trái tim của cô ấy. Một trong những cách để chiếm được hoàn toàn sự yêu thích của khách hàng là cá nhân hóa hoạt động marketing để đáp ứng nhu cầu của họ.

Trong nhiều năm, các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng mọi người thích nghe các thương hiệu gọi đúng tên của mình và được viết đúng trên các văn bản; hay nói cách khác, doanh nghiệp cần tìm hiểu và biết trước thông tin về tên của khách hàng. Nhưng công nghệ ngày nay còn cho phép đội ngũ digital marketing đào sâu vào dữ liệu để xác định những vấn đề khiến khách hàng thức khuya – đồng thời xác định những thông điệp nào sẽ giải quyết những vấn đề đó và mang lại cho họ một giấc ngủ ngon.

Trong bộ phim Minority Report năm 2002, nhân vật John Anderton do Tom Cruise thủ vai, bị hàng loạt quảng cáo cá nhân hóa gọi tên anh khi anh đi qua một thành phố. Điều này rõ ràng là hoàn toàn viễn tưởng vào thời điểm đó, nhưng không đầy hai thập kỷ sau, thực tế gần như bắt kịp với tương lai marketing trong trí tưởng tượng của Stephen Spielberg.

Người tiêu dùng ngày nay đang ngập trong các thông điệp marketing từ nhiều kênh đến mức họ bắt đầu phớt lờ chúng. Quảng cáo truyền thống đang mất dần hiệu quả, vậy câu trả lời là gì? Các thông điệp marketing được cá nhân hóa tạo ra mối liên hệ thực sự giữa thương hiệu và thị trường mục tiêu. Vì vậy, đừng chỉ dừng lại ở những email “Xin chào [Tên khách hàng]”, popup “Bạn không muốn kiếm nhiều tiền hơn sao?” hay những thông điệp có vẻ thú vị như “Này, quay lại đây!” để thu hút khách hàng tìm hiểu, rồi sau đó, cung cấp cho họ nội dung để thu hút.

Nhắc lại một lần nữa, chỉ cần thêm một chút nỗ lực sẽ mang lại kết quả đáng kinh ngạc. Theo khảo sát của Epsilon, trên thực tế, 80% người tiêu dùng nói rằng họ có nhiều khả năng lựa chọn mua với một thương hiệu cung cấp trải nghiệm được cá nhân hóa.

Những cải tiến trong công nghệ như AI kết hợp với việc tăng cường thu thập dữ liệu và insight từ phương tiện truyền thông xã hội và các nguồn khác đã giúp cá nhân hóa chính xác mọi thứ từ nội dung, đến thiết kế, đến đề xuất sản phẩm và mọi thứ trở nên khả thi và dễ dàng hơn.

5.      Tiếp thị đàm thoại (Conversational Marketing)

Đã có một thời gian khi bán hàng và dịch vụ khách hàng đi theo một quy trình thống nhất. Các đại diện bán hàng mở đầu bằng câu “thưa bà”, và việc thực hiện một cuộc khảo sát cần thời gian đáng kể, bao gồm những hoạt động như một cuộc điện thoại, một chuyến thăm cửa hàng và một email hoặc biểu mẫu trực tuyến.

Tuy nhiên, ở hiện tại, đại diện bán hàng và dịch vụ khách hàng (bao gồm các botchat) đang trò chuyện với khách hàng thông qua tin nhắn tự động tức thì. Việc tương tác với khách hàng tương tự như tương tác với bạn bè. Tất cả đều xoay quanh các xu hướng như nhu cầu cá nhân hóa và các tương tác lấy con người làm trung tâm.

Khách hàng không muốn nói chuyện người mà chỉ đang giao tiếp theo một kịch bản có sẵn. Họ muốn được trợ giúp cụ thể theo nhu cầu và hoàn cảnh của riêng họ. Họ cũng muốn được phản hồi ngay lập tức. Điều đó có nghĩa là ngày càng ít các kênh truyền thông chính thức (Formal Communication Channels).

6.      Chuyển đổi chiến lược marketing

Khi bạn đọc về các xu hướng đang phát triển trong một bài báo như thế này, bạn sẽ dễ cho rằng để marketing thành công chỉ cần làm theo danh sách các phương pháp có sẵn hay nhất và ứng dụng những kỹ thuật công nghệ mới nhất.

Tuy nhiên, marketing ngày càng trở nên phức tạp. Để các công ty thành công trong năm 2021, họ sẽ phải nghĩ xa hơn những gì họ đang làm và liên kết mọi thứ với mục tiêu kinh doanh tổng quát. Mục đích và mục tiêu marketing của bạn phải phù hợp với mục tiêu tổng thể của doanh nghiệp.

Chuyển đổi chiến lược marketing (Strategic Marketing Transformation) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả quá trình khi một doanh nghiệp từ hoạt động không có kế hoạch chiến lược marketing cụ thể, dần phát triển bằng cách thay đổi các quy trình.

Việc thực hiện chuyển đổi marketing có thể giúp các công ty cải thiện dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, nâng cao nhận thức về thương hiệu và danh tiếng, cuối cùng là tăng doanh thu và lợi nhuận.

Các doanh nghiệp có thể đạt được những hiệu quả này thông qua việc kết hợp thu thập dữ liệu, sử dụng công nghệ hiện đại, xây dựng mối quan hệ với khách hàng và tương tác với khách hàng trực tuyến, xuất bản nội dung chất lượng và cải thiện sự hiện diện trực tuyến. Tất cả những điều này là một phần của chiến lược cơ bản ảnh hưởng đến mọi bộ phận và nhân viên trong công ty, không chỉ riêng các nhà tiếp thị.

Kế hoạch chiến lược marketing sẽ xác định mục tiêu và chiến lược marketing bạn cần sử dụng để tiếp cận khách hàng thông qua tiếp thị nội dung (content marketing), SEO, email-marketing, truyền thông xã hội (social media), quảng cáo và tiếp thị ngoại tuyến (offline marketing). Sau đó, đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể cho mọi bộ phận trong tổ chức có tham gia.

Nói một cách đơn giản, chiến lược marketing không còn chỉ là trách nhiệm của trưởng phòng marketing hay CMO. Chuyển đổi chiến lược marketing sẽ giúp bạn nhận ra điều này và đảm bảo rằng thương hiệu, danh tiếng công ty, mối quan hệ với khách hàng và trải nghiệm khách hàng nói chung được xem xét trong mọi hoạt động kinh doanh.

7.      Thông báo đẩy

Có hai nguyên nhân đang thúc đẩy sự xuất hiện của thông báo đẩy (push notifications) như một xu hướng digital marketing. Đầu tiên, email marketing đang trở nên bão hòa đến mức việc kết nối thực sự với đối tượng của bạn thông qua kênh này ngày càng khó khăn hơn. Thứ hai, mọi người đang sử dụng điện thoại di động rộng rãi hơn cho tất cả các loại hoạt động trực tuyến – bao gồm cả tìm kiếm thương hiệu và mua sắm trực tuyến.

Do đó, các thương hiệu đang chuyển sang sử dụng thông báo đẩy để thu hút sự chú ý của khách hàng hiệu quả hơn. Ngày nay, hơn một nửa số người tiêu dùng bật thông báo đẩy trên điện thoại để các thương hiệu có thể liên hệ với họ.

Tuy nhiên, có một giới hạn mà các thương hiệu phải cẩn thận không được phá vỡ. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong nhiều ngành, tỷ lệ hủy đăng ký thông báo đẩy luôn dưới 1% khi số lượng thông báo đẩy hàng ngày thấp. Khi số lượng này đạt đến một ngưỡng nhất định (khoảng hơn 10 lượt đẩy) thì những lượt hủy đăng ký đó bắt đầu tăng đột biến.

Nguồn: https://www.businessofapps.com/marketplace/push-notifications/research/push-notifications-statistics/
Nguồn: https://www.businessofapps.com/marketplace/push-notifications/research/push-notifications-statistics/

Tuy nhiên, khi được thực hiện đúng cách, thông báo đẩy sẽ thúc đẩy tỷ lệ mở, chuyển đổi và mức độ tương tác tổng thể của đối tượng mục tiêu.

8.      Feature snippets: Các đoạn trích nổi bật trong Google Tìm kiếm

SEO sẽ tiếp tục là một yếu tố quan trọng của digital marketing khi chúng ta bước sang năm 2022, nhưng hiện tại đang có một sự thay đổi lớn nhất trong ngành SEO trong thập kỷ qua.

Với sự phát triển của thiết bị di động và tìm kiếm bằng giọng nói, mọi người đang thay đổi cách sử dụng các công cụ tìm kiếm như Google. Việc đứng ở vị trí đầu trong các trang kết quả của công cụ tìm kiếm hoặc SERPS (Search Engine Results Page: trang kết quả trả về được tạo ra bởi Google khi người dùng tìm kiếm thông tin) không còn là mục tiêu chính mà doanh nghiệp của bạn nên hướng tới.

Bạn có thể nhận thấy rằng hành vi tìm kiếm và duyệt web của chính mình đã thay đổi trong vài năm qua do những thay đổi của Google và thực tế là bạn đang tìm kiếm thông tin nhanh nhất khi bạn lướt đến những kết quả kế tiếp.

Những đoạn trích nổi bật (featured snippets) và những thông tin khác trên SERP giúp bạn không cần phải nhấp vào một trang web để lấy thông tin bạn đang tìm kiếm nữa – nó nằm ngay trên trang kết quả tìm kiếm của Google.

Thông tin trên SERP này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng vị trí được tìm kiếm nhiều nhất sẽ nằm ngay đầu trang, trước danh sách những bài viết “organic” (bài viết có thứ hạng tự nhiên – không trả phí). Vị trí này được gọi là “vị trí số không”. Vì nó thường là thông tin duy nhất mà người tìm kiếm sẽ xem nên nó rất được nhìều người nhắm tới. Hơn 60% kết quả tìm kiếm do Google trả về hiện là các đoạn trích nổi bật .

Các thương hiệu vẫn đang cố gắng tìm ra cách để đạt được “vị trí số 0” trước tiên vì nó yêu cầu những kỹ thuật SEO khác với những kỹ thuật được sử dụng cho các vị trí bình thường trong SERPs. Nếu bạn có thể là người đầu tiên trong ngành của mình đạt được vị trí đó, bạn sẽ có lợi thế rất lớn so với các đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, hãy mong đợi nhìn thấy nhiều công ty SEO cung cấp dịch vụ này hơn trong năm tới và chú ý đến các phương pháp hay nhất mới nhất để tối ưu hóa nội dung của bạn.

9.      Thương mại xã hội (Social Commerce)

Thương mại xã hội không mới, nhưng nó đang trở thành một hình thức mua sắm chủ đạo. Các thương hiệu đang trở nên thông minh hơn bao giờ hết trong việc tận dụng phương pháp tiếp thị người ảnh hưởng (influencer marketing), tạo ra những quảng cáo phù hợp với nguồn dữ liệu từ các truyền thông xã hội một cách liền mạch, và tích hợp nền tảng thương mại điện tử với các kênh truyền thông xã hội.

Instagram và TikTok có ảnh hưởng đặc biệt trong việc thúc đẩy xu hướng social commerce. Instagram Checkout giúp các thương hiệu quảng cáo và bán sản phẩm của họ trực tiếp dễ dàng hơn bao giờ hết.

TikTok đang hoàn toàn thay đổi cuộc chơi khi tạo ra hình thức influencer marketing bằng các công cụ như Creator Marketplace – nơi các thương hiệu có thể tìm thấy những nhà sáng tạo phù hợp với sản phẩm và sở thích của họ; và TikTok Shopping – cho phép các thương hiệu tương tác có ý nghĩa hơn với khách hàng ngay trên ứng dụng.

Nghiên cứu của Statista cho thấy rằng social commerce đang trên đà phát triển vào năm 2022 và sẽ còn tăng nhanh trong thời gian dài.

Nguồn: https://www.statista.com/statistics/277045/us-social-commerce-revenue-forecast/
Nguồn: https://www.statista.com/statistics/277045/us-social-commerce-revenue-forecast/

10.  Tìm kiếm bằng giọng nói (Voice Search)

Tìm kiếm bằng giọng nói vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến cách các thương hiệu tự tạo nội dung và thị trường trực tuyến.

Chúng tôi dự đoán rằng 50% lượt tìm kiếm sẽ đến từ Tìm kiếm bằng giọng nói vào năm 2021 (chúng ta hiện đang ở mức gần 20% ​​- theo Google), có thể con số này sẽ không chính xác nhưng cũng sẽ không quá chênh lệch trong tương lai. Ngành kinh doanh loa thông minh (smart speaker) đang bùng nổ, với khoảng 1/4 số hộ gia đình ở Mỹ hiện sở hữu Google Home, Amazon Echo hoặc một loại loa thông minh khác.

Theo nghiên cứu của PwC, người tiêu dùng cũng đang mong đợi có thể sử dụng Tìm kiếm bằng giọng nói nhiều hơn trong tương lai gần – 61% những người trong độ tuổi 25–64 đã sử dụng thiết bị tìm kiếm bằng giọng nói có ý định sử dụng nhiều hơn trong tương lai.

Tìm kiếm bằng giọng nói mang đến những thách thức mới nhưng cũng tạo ra những cơ hội thú vị. “Kỹ năng xây dựng thương hiệu” là một ví dụ về cơ hội quảng cáo loa thông minh xuất hiện trong năm ngoái. Thương hiệu rượu Tequila Patròn là một ví dụ về một công ty đã thành công rực rỡ nhờ sử dụng các kỹ năng xây dựng thương hiệu. Người dùng loa thông minh có thể yêu cầu trợ lý kỹ thuật số của họ “hỏi Patròn về công thức pha chế cocktail”. Điều này không chỉ giúp tăng khả năng nhận biết và hiển thị thương hiệu mà còn cho phép người dùng mua sản phẩm trực tiếp từ kết quả công thức.

Dù thương hiệu của bạn chưa sẵn sàng đối với quảng cáo loa thông minh, điều quan trọng là nội dung của bạn phải được tối ưu hóa đối với Tìm kiếm bằng giọng nói. Những người sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói sẽ tìm kiếm theo cách khác. Họ sử dụng những câu hỏi dài hơn, mang tính hội thoại nhiều hơn, vì vậy việc xây dựng nội dung của bạn theo hướng giải đáp những câu hỏi này, cũng như trả lời câu hỏi trực tiếp, có thể giúp hiển thị nội dung rõ ràng hơn đối với các Tìm kiếm bằng giọng nói. Điều này có thêm lợi thế là làm cho nội dung của bạn có nhiều khả năng được lựa chọn nhờ đoạn trích nổi bật hoặc được tìm thấy ở vị trí số 0 trên Google.

11.  Tự động hóa dựa trên AI

Năm 2022 có phải là năm của sự trỗi dậy của robot? Có thể (nhưng hy vọng không phải theo phong cách Kẻ hủy diệt của phim khoa học viễn tưởng!).

Chúng ta đã thấy những tiến bộ to lớn trong AI trong vài năm qua và sự gia tăng đáng kể về số lượng doanh nghiệp sử dụng công nghệ và tự động hóa do AI hỗ trợ để hỗ trợ các nỗ lực tiếp thị của họ.

AI là một trong những công nghệ chính đằng sau Tìm kiếm bằng giọng nói và trợ lý thông minh. Nó cũng làm cho chatbot trở nên khả thi hơn, phổ biến hơn khi xuất hiện trên nhiều trang web.

Công nghệ AI và tự động hóa đang giúp loại bỏ một số công việc khó khăn trong hoạt động marketing để các thương hiệu có thể tập trung vào chiến lược và tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt nhất.

Hãy nhớ rằng, con người vẫn là yếu tố quan trọng trong marketing, vì vậy việc sử dụng công nghệ là để hỗ trợ nỗ lực tiếp thị của bạn, chứ không phải thay thế con người đang đứng sau để điều khiển.

Dữ liệu lớn được hỗ trợ bởi AI và phân tích dự đoán, cũng đang giúp các thương hiệu tìm hiểu thêm về đối tượng mục tiêu và khách hàng của họ. Nó cho phép cá nhân hóa chính xác trải nghiệm khách hàng và thông điệp marketing trên quy mô lớn.

12.  Video Marketing

Nghiên cứu của Cisco cho thấy đến năm 2022, video sẽ chiếm 82% tổng lượng truy cập trực tuyến. Các video có khả năng được xếp hạng trên trang đầu tiên của SERP cao hơn 53 lần so với các chiến thuật SEO khác. Ngày nay, 84% người tiêu dùng đã bị thuyết phục mua sản phẩm sau khi xem video.

Chưa kể, gần như tất cả các nhà tiếp thị kỹ thuật số (93%) nói rằng, video hiện là một phần cốt lõi trong chiến lược nội dung của họ.

xu hướng marketing

Tương lai của xu hướng tiếp thị nội dung nằm ở video. Các thương hiệu phải tích hợp nội dung video vào các sự kiện như trưng bày giới thiệu sản phẩm, webinar và sự kiện video trực tiếp (nhiều video ngắn) để giữ cho nội dung của họ luôn mới và phù hợp với những gì người tiêu dùng đang tìm kiếm.

13.  Tập trung vào Giữ chân khách hàng, Lòng trung thành và Sự ủng hộ

Một yếu tố quan trọng khi cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt là đảm bảo rằng trải nghiệm khách hàng vẫn đang diễn ra liên tục và tập trung vào việc giữ chân khách hàng hiện tại của bạn, thay vì chỉ thu hút những khách hàng mới.

Khách hàng định kỳ có giá trị hơn khách hàng mới. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc thu hút một khách hàng mới tốn kém gấp 5 lần so với việc giữ chân khách hàng hiện tại, vì vậy, bạn chắc chắn phải nỗ lực để giữ cho khách hàng luôn hài lòng.

Khách hàng trung thành cũng giúp nâng cao danh tiếng và nhận thức về thương hiệu của bạn bởi vì có thể họ sẽ nói về công ty và sản phẩm của bạn với bạn bè và gia đình họ. Những khách hàng hài lòng sẽ trở thành những đại sứ thương hiệu và những người có ảnh hưởng tuyệt vời (và miễn phí!) cho doanh nghiệp của bạn.

Nhiều xu hướng và công nghệ được đề cập ở trên có thể hữu ích cho việc tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng. Ví dụ: Khách hàng hiện tại của bạn chắc chắn sẽ mong muốn được cá nhân hóa khi tiếp thị, và việc cá nhân hóa trong giao tiếp sẽ dễ dàng hơn khi ai đó tương tác với thương hiệu của bạn.

14.  Video trực tiếp (live video)

Ngành công nghiệp video trực tiếp dự kiến sẽ có giá trị hơn 70 tỷ USD vào năm 2021. Video trực tiếp vô cùng phổ biến với người tiêu dùng, mọi người dành thời gian xem video trực tiếp lâu hơn gấp 3 lần so với xem video được quay trước.

Video cũng là cách phổ biến nhất để người tiêu dùng tìm hiểu về sản phẩm mới.

Nguồn: https://blog.hubspot.com/marketing/state-of-video-marketing-new-data
Nguồn: https://blog.hubspot.com/marketing/state-of-video-marketing-new-data

Khi yếu tố trực tiếp được thêm vào, điều này làm cho video trở nên hấp dẫn hơn vì khán giả cảm thấy họ là một phần của video và có thể ảnh hưởng đến nội dung, thay vì chỉ xem một cách thụ động.

Video trực tiếp là cách tuyệt vời để thu hút sự chú ý của khán giả của bạn trên mạng xã hội Facebook hoặc Instagram. Những loại video này rất thu hút người xem vì họ thường có tâm lý “FOMO” hoặc sợ bị bỏ lỡ. Khi bạn không chắc liệu video trực tiếp đó có chứa một vài thông tin mà bạn không thể lấy ở đâu khác hay không, hoặc nói cách khác bạn là người đầu tiên biết về những tin tức mới và thú vị, bạn sẽ muốn xem nó.

15.  Account Based Marketing (ABM): Marketing tập trung theo từng khách hàng (B2B)

Doanh nghiệp hay tập đoàn không phải là danh từ chỉ người, nhưng nó được tạo nên và vận hành bởi con người, đặc biệt là những người ở vị trí cấp cao (C-suites) – mỗi người có nhiều mối quan tâm khác nhau. Cụ thể:

  • Giám đốc tài chính muốn biết sản phẩm của bạn sẽ tiết kiệm các bước trong quy trình sản xuất và tiết kiệm thời gian của họ như thế nào. Mà như chúng ta đều biết, thời gian là tiền bạc.
  • Giám đốc Marketing muốn biết sản phẩm của bạn có thể giúp họ tạo ra sản phẩm tốt hơn như thế nào để cô ấy có thể giải thích điều đó cho khách hàng của mình.
  • Người đứng đầu bộ phận nhân sự muốn biết sản phẩm của bạn sẽ giúp công việc của công nhân trong dây chuyền lắp ráp trở nên dễ dàng hơn bao nhiêu, nó có thể giúp họ tránh bị viêm gân như thế nào.

xu hướng marketing

ABM sẽ cá nhân hóa thông điệp cho các doanh nghiệp, nhắm mục tiêu đến từng người ra quyết định bằng những thông tin mà họ cần để giải quyết các vấn đề cụ thể đối với bộ phận của mình. Giống như việc cá nhân hóa tin nhắn trực tiếp đến khách hàng, ABM mang lại ROI cao hơn so với các phương pháp marketing khác. Nếu bạn bán hàng cho các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các tập đoàn lớn, thì ABM là một trong những xu hướng digital marketing “đã có” mà bạn cần nắm bắt trong những năm tới.

16.  Gen Z sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động Marketing hơn là Millennials

Ngành công nghiệp Marketing đã bị ám ảnh bởi Millennials trong hai thập kỷ qua. Trên thực tế, cụm từ “millennials” được tìm kiếm trên Google hiện cho ra khoảng 129 triệu kết quả, trong khi trước đó, số lượng kết quả trả về cho cụm từ “thế hệ X” chỉ khoảng 7,2 triệu.

Nhưng những người thuộc thế hệ millennials ngày nay đã vượt xa dự đoán khi sở hữu một loạt các quyền ở độ tuổi 20. Những người thế hệ millenials đầu tiên đang dần chạm đến mốc 40 tuổi. Nhóm tuổi này dù vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể trong số đối tượng của nhiều nhà tiếp thị, nhưng có vài dự đoán rằng tầm quan trọng của nhóm này không đạt được như mong đợi.

Điển hình, một thống kê cho rằng Millennials sẽ chiếm 75% lực lượng lao động vào năm 2025, và điều này hiện tại đã không còn có thể xảy ra.

Lý do là bởi năm 2020, Millennials đã đạt mức cao nhất tỷ lệ dân số trưởng thành, nhưng cũng chỉ chiếm hơn 40% dân số toàn cầu. Đến năm 2030, tỷ lệ này dự kiến ​​sẽ giảm xuống chỉ còn dưới 37% khi Gen Z bắt đầu trưởng thành.

Nguồn: https://www.linkedin.com/pulse/millennials-75-workforce-2025-ever-anita-lettink/
Nguồn: https://www.linkedin.com/pulse/millennials-75-workforce-2025-ever-anita-lettink/

Gen Z bao gồm những người sinh từ 1995 đến 2010. Những người trẻ này đã lớn lên trong thế giới kỹ thuật số và có quan điểm rất khác so với các thế hệ đi trước. Họ cũng đa dạng  hơn bất kỳ thế hệ nào khác.

Một khán giả đa dạng hơn có thể tạo ra thách thức về tiếp thị nội dung, nhưng nó cũng mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận các phân khúc khác nhau thông qua cá nhân hóa.

Nếu bạn đang tập trung chiến lược marketing của mình vào Millennials, có thể đã đến lúc lùi lại một bước và nghĩ ra một số ý tưởng mới để tiếp cận lực lượng lao động và những người ra quyết định thực sự trong tương lai.

17.  Tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và lượng khán giả đa dạng hơn

Các thị trường mới nổi ở châu Á đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua và dự kiến ​​sẽ tiếp tục phát triển trong mười năm tới.

Hơn một tỷ người tiêu dùng trung lưu mới từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia sẽ được bổ sung vào nhóm người tiêu dùng quốc tế.

Nguồn: McKinsey
Nguồn: McKinsey

Các công ty muốn mở rộng nỗ lực marketing ra ngoài Bắc Mỹ và chắc chắn là họ sẽ phải suy nghĩ cẩn thận về cách tốt nhất để tiếp cận những đối tượng mới này. Các nền văn hóa, ngôn ngữ, chuẩn mực xã hội và hành vi trực tuyến khác nhau đều có thể khiến marketing trở thành một thách thức khi tạo nội dung cho những đối tượng này.

Đối với các tập đoàn đa quốc gia, việc xây dựng một đội ngũ marketing cho từng khu vực tại những thị trường chính là giải pháp cho họ.

Tuy nhiên, nếu bạn là doanh nghiệp nhỏ hơn bạn cũng có thể làm thị trường theo hướng toàn cầu hóa. Chìa khóa thành công là xây dựng sự đa dạng từ bên trong. Doanh nghiệp cần cố gắng tạo ra một lực lượng lao động đa dạng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, khi đó bạn sẽ thấy rằng việc đổi mới trong marketing sẽ có sự khởi sắc một cách tự nhiên.

18.  Tích hợp Trải nghiệm khách hàng Trực tuyến-Ngoại tuyến

Các cửa hàng truyền thống (physical stores) có ít sự hiện diện trực tuyến đã gặp khó khăn hơn trong những năm gần đây. Đối với nhiều doanh nghiệp, đại dịch năm 2020 đã gây ra thiệt hại nặng nề, chỉ trong vòng sáu tháng đã chứng kiến ​​số lượng lớn cửa hàng phải đóng cửa.

Ngược lại, nhiều nhà bán lẻ trực tuyến và thương hiệu kỹ thuật số đã phát triển một cách mạnh mẽ. Một số lượng lớn người tiêu dùng đã thay đổi hành vi mua sắm và các hoạt động hằng ngày sang hình thức trực tuyến nhiều hơn.

Tuy nhiên, các cửa hàng truyền thống cũng không phải hoàn toàn lỗi thời và sụp đổ. Thực tế là người tiêu dùng vẫn yêu thích hình thức này. Nhưng các thương hiệu vẫn nên điều chỉnh linh hoạt chiến lược marketing để tận dụng lợi thế của sự gia tăng “số hóa”.

Trong tương lai, cửa hàng không chỉ là một nơi để mua sắm. Đó sẽ là nơi mà các thương hiệu có thể tương tác thực sự với khách hàng và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Hơn nữa, công nghệ VR và AR sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mua sắm hơn cho gia đình, cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến. IKEA đã tạo ra một ứng dụng tăng cường thực tế cho phép khách hàng xem trước các món đồ nội thất trong nhà; một số thương hiệu thời trang tung ra ứng dụng cho phép người mua hàng thử quần áo trước khi mua.

Ngày càng có nhiều thương hiệu nắm bắt và chạy theo xu hướng này. Ví dụ, Nike đã tung ra một số “trải nghiệm bán lẻ” trong những năm gần đây bao gồm các thiết bị terminal kèm với thông tin sản phẩm và chức năng đặt hàng trực tuyến, tích hợp với điện thoại thông minh của khách hàng, trang cá nhân mạng xã hội, các ứng dụng cài đặt thực tế tăng cường tương tác, v.v.

19.  Chủ nghĩa tiêu dùng có trách nhiệm

Người tiêu dùng ngày nay nhận thức rõ hơn bao giờ hết ảnh hưởng của thói quen mua hàng đối với môi trường và xã hội. Mọi người đang quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm và thương hiệu mà họ lựa chọn.

Nguồn: https://blog.globalwebindex.com/chart-of-the-week/green-consumerism/
Nguồn: https://blog.globalwebindex.com/chart-of-the-week/green-consumerism/

Nhiều thương hiệu đã và đang dần chuyển sang lựa chọn những giải pháp bền vững để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội đang trở nên quan trọng không kém việc khiến môi trường trở nên “xanh” hơn.

Như chúng ta đã thấy, với sự phát triển của phong trào Black Lives Matter (chiến dịch chống bạo lực và phân biệt chủng tộc đối với người da đen), mọi người không còn chỉ dành sự mong đợi đối với các thương hiệu mà họ ủng hộ tránh các hoạt động tiêu cực. Giờ đây, họ mong đợi  nhiều hơn đối với các tập đoàn sẽ tích cực chống lại sự bất công và ủng hộ những điều mà họ tin tưởng.

Trong tương lai gần, các thương hiệu được kỳ vọng sẽ có trách nhiệm đạo đức trong tất cả các hoạt động kinh doanh và sử dụng nguồn lực, nhằm tạo động lực xây dựng một thế giới tốt đẹp. Những doanh nghiệp chưa từng nghĩ sẽ thất bại, sẽ thực sự bị bỏ lại khi khách hàng chỉ lựa chọn những thương hiệu phù hợp với giá trị riêng của họ.

Trách nhiệm thương hiệu sẽ trở nên quan trọng hơn cả hoạt động marketing. Các doanh nghiệp thực hiện marketing cho những hoạt động xã hội tích cực và khác biệt trên thế giới sẽ hiệu quả hơn là việc quảng cáo sản phẩm.

20.  Internet vạn vật (IoT)

Vào năm 2020,  Internet of Things (IoT) đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong cách người tiêu dùng tương tác với các thương hiệu.

Trong thập kỷ tới, xu hướng này sẽ còn gia tăng, nó sẽ trở thành tiêu chuẩn cho các thiết bị hàng ngày được kết nối với internet.

Điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh và TV thông minh đã trở nên phổ biến. Công nghệ ngày càng trở nên phổ biến và không tốn quá nhiều chi phí. Trong một tương lai không xa, rất có thể hầu hết mọi thiết bị điện tử đều sẽ “thông minh” theo một cách nào đó. Đáng chú ý hơn, các vi mạch thông minh sẽ được cấy vào con người.

Thành phố thông minh – những khu vực đô thị sử dụng công nghệ IoT để quản lý tài nguyên và dịch vụ – cũng đang gia tăng trên toàn cầu. Ước tính đến năm 2025, 600 thành phố thông minh hàng đầu sẽ chiếm 60% GDP của thế giới .

Số lượng lớn các thiết bị được kết nối này sẽ tạo ra một lượng lớn dữ liệu có thể được sử dụng để tìm ra insight khách hàng. Sau đó, những thông tin này có thể được sử dụng để cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng và mang lại sự giao tiếp và gắn kết với thương hiệu dễ dàng hơn.

21.  Marketing tập trung cho khu vực địa phương (Hyper-Local Marketing)

Cùng với sự phát triển của các thiết bị IoT và sự kỳ vọng ngày càng tăng về trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa, việc sử dụng dữ liệu vị trí địa lý trong marketing ngày càng tăng.

Tiếp thị địa phương (Local marketing) chắc chắn không phải là một khái niệm mới. Ngay cả các thương hiệu đa quốc gia lớn nhất cũng nhận ra giá trị của việc tùy chỉnh các thông điệp marketing phù hợp với từng địa phương. Và các công cụ tìm kiếm như Google đã trở nên tốt hơn trong việc giúp bạn tìm kiếm các địa điểm gần nhất từ quán cà phê cho đến cửa hàng giày.

Nhưng sự xuất hiện của các dịch vụ định vị là để nâng cấp mọi thứ lên một tầm cao mới. 8/10 nhà tiếp thị hiện đang sử dụng dữ liệu vị trí trong chiến lược marketing và 94% doanh nghiệp dự định sẽ sử dụng trong tương lai.

Giờ đây, mọi người đều có điện thoại thông minh, các cửa hàng có thể nhắm mục tiêu khách hàng tiềm năng bằng các thông điệp marketing ngay khi họ được phát hiện đang ở trong phạm vị nhất định gần với cửa hàng.

Các thương hiệu có thể sử dụng Geofencing (tính năng trong một chương trình phần mềm sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS hoặc nhận dạng tần số radio RFID để xác định ranh giới địa lý) để gửi thông điệp đã được cá nhân hóa đến một nhóm rất nhỏ các cá nhân có nhiều khả năng mua hàng hơn (tiếp thị dựa trên vị trí đã được chứng minh là hiệu quả hơn 20 lần so với quảng cáo tiêu chuẩn). Điều này giúp giảm chi chí marketing. Ngân sách không bị lãng phí vào những khách hàng tiềm năng ít có khả năng mua hàng hơn.

Việc kết hợp định vị và công nghệ IoT giúp doanh nghiệp có thể thực hiện được một số hoạt động marketing phức tạp và được cá nhân hóa. Ví dụ: một khách hàng có thể nhận được lời nhắc rằng họ sắp hết trứng khi đi ngang qua cửa hàng tạp hóa.

Sẵn sàng cho năm 2022

Bây giờ là lúc để bắt đầu lập kế hoạch chiến lược marketing cho năm 2022. Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ bắt đầu một năm mới với một kế hoạch rõ ràng gồm các mục tiêu và cách đạt được những mục tiêu đó.

Mặc dù các xu hướng marketing luôn thay đổi, nhưng điều cốt lõi để thành công vẫn không đổi: hiểu nhu cầu của khán giả và giao tiếp với họ một cách rõ ràng và nhất quán. Đó là lý do tại sao nội dung tập trung vào khách hàng luôn là cách tốt nhất để thiết lập mối quan hệ vững chắc với họ.

Một điều chắc chắn là tiếp thị nội dung (content marketing) sẽ tiếp tục thống trị digital marketing trong thời gian tới. Hầu hết các xu hướng này đều dựa trên nội dung theo một cách nào đó. Để có được thành công trong lĩnh vực này, bạn sẽ cần phải có một nền tảng vững chắc với nội dung chất lượng trên tất cả các kênh marketing của mình, hoặc cần có một “trợ lý” marketing đắc lực như đội ngũ sáng tạo content của Metta Marketing, người hiểu rõ mọi kỹ thuật xây dựng nội dung, hiểu rõ sản phẩm, ngành và theo sát bạn mọi lúc để đưa ra những nội dung thu hút khách hàng nhất cho bạn.

Nguồn: https://marketinginsidergroup.com/marketing-strategy/marketing-trends/

Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN, CẬP NHẬT NHỮNG THÔNG TIN HAY, MỚI NHẤT VỀ THỊ TRƯỜNG VÀ MARKETING







8 xu hướng marketing năm 2022 giúp doanh nghiệp B2B xây dựng chiến lược nội dung hiệu quả

Trong năm 2022, các doanh nghiệp B2B không nằm ngoài cuộc đua tăng trưởng để phục hồi những “vết thương” mà năm 2021 đầy biến động để lại. Cập nhật những xu hướng marketing mới nhất một cách nhanh chóng và áp dụng chúng thành công chính là chìa khóa để chúng ta bỏ xa [...]

6 xu hướng quan trọng trong năm 2022 để có chiến lược digital marketing thành công

Năm 2021 là một năm của những sự thay đổi làm rung chuyển toàn bộ ứng dụng và hệ sinh thái tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing). Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc xây dựng chiến lược digital marketing của các doanh nghiệp đã và đang cố gắng vượt qua ảnh [...]

Báo cáo Xu hướng Marketing trong năm 2022

Đại dịch xảy ra đã làm chuyển dịch các tương tác hàng ngày của con người lên các nền tảng trực tuyến; điều này đã làm các mối quan hệ giữa khách hàng và nhà sản xuất, giữa thương mại và các tương tác xã hội ngày càng trở nên mờ nhạt. Thế giới không [...]

4 xu hướng thời COVID có tác động lâu dài đến nhu cầu về sản phẩm và trải nghiệm khách hàng

Dưới đây là 4 xu hướng thời COVID được chia sẻ bởi Phó Giám đốc Marketing – Marvin Chow và Giám đốc điều hành Ads Marketing – Kate Standford tại Google. Ngoài ra, bài viết còn đưa ra một số minh họa tại khu vực APAC (Châu Á – Thái Bình Dương) cho quan điểm [...]

Siêu vũ trụ ảo metaverse: Liệu có “đất” cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng hay không?

Nửa cuối năm 2021, khái niệm siêu vũ trụ ảo metaverse bắt đầu trở thành cơn sốt trong lĩnh vực digital. Các xu hướng công nghệ, các chiến lược tiếp thị mới từ metaverse được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp và nhà tiếp thị phát triển mạnh mẽ. Với ngành vật liệu xây dựng [...]

Top 5 chiến lược tiếp thị bán hàng B2B hữu ích nhất trong năm 2022

Với những thay đổi xảy ra do đại dịch, người tiêu dùng hiện nay phụ thuộc nhiều hơn vào kỹ thuật số và nền tảng trực tuyến để tìm kiếm những gì họ cần. Vì thế, doanh nghiệp cần thích ứng và áp dụng đúng chiến lược tiếp thị bán hàng B2B để đạt được [...]