Marketing à? Dễ như ăn bánh! Dành cho những ai chưa hiểu về marketing
Nếu bạn cũng đang lầm tưởng marketing (tiếp thị) chính là quảng cáo thì bạn không cô đơn đâu. Rất rất nhiều người chia sẻ “bé cái nhầm” này. Hi vọng bài viết này cho bạn một hình dung rõ hơn về tiếp thị.
Ừm… Vậy marketing là cái quái gì?
“Marketing là một chuỗi các hoạt động của các tổ chức nhằm tạo ra sản phẩm/dịch vụ, truyền thông, phân phối và trao đổi chúng nhằm tạo ra giá trị cho khách hàng, đối tác, và cộng đồng.” – Theo hiệp hội Marketing Hoa Kỳ.
Đọc xong câu trên bạn có thấy càng hoang mang hơn không? Có thể lắm chứ, nếu bạn không phải là một người làm marketing chuyên nghiệp. Vậy bây giờ bạn thử đọc câu định nghĩa về marketing của chúng tôi bên dưới đây:
“Marketing là để giúp sản phẩm hoặc dịch vụ được chào đón và tiêu thụ trên thị trường.”
Thị trường là nơi sản phẩm được tiêu thụ, nơi khách hàng của bạn ở đó. Thị trường của bạn có thể là bất cứ nơi nào. Nhưng hãy cẩn thận, bạn cần phải CHỌN thị trường một cách chủ động và chủ quan.
Để sản phẩm được chào đón và tiêu thụ cần qua nhiều khâu, phụ thuộc vào loại sản phẩm đó mà con đường ra thị trường có thể ngắn hoặc rất dài. Bạn bán sản phẩm đến một công ty khác (mô hình B2B), bán qua đại lý/nhà phân phối, bán trực tiếp cho người tiêu dùng qua cửa hàng của công ty, bán trực tiếp trên mạng.
Một sản phẩm cũng có thể ra thị trường bằng tất cả các con đường trên. Dù có qua bao nhiêu khâu trung gian thì một điều bạn cần ghi nhớ là khách hàng sẽ không quan tâm, họ chỉ biết sản phẩm đó là của bạn. Do vậy, quản lý khâu phân phối rất quan trọng để mang lại một hình ảnh thống nhất và tốt đẹp về thương hiệu của bạn nói chung.
Ủa… Marketing có bị trùng với hoạt động bán hàng không?
Marketing và bán hàng đều hoạt động trên cùng kênh phân phối. Tuy nhiên, các hoạt động khác nhau về cơ bản và bổ trợ cho nhau. Nhiệm vụ của bán hàng là đi tìm đại lý, cửa hàng phân phối. Cửa hàng hay công ty phân phối sau khi đã được thẩm định kỹ về mặt bằng, về khả năng tài chính, sẽ được ký hợp đồng phân phối.
Marketing sẽ nhảy vào để đầu tư về mặt hình ảnh cho cửa hàng, để cửa hàng phản ánh được giá trị của thương hiệu. Marketing sẽ làm tất cả các khâu từ bảng hiệu, trưng bày sản phẩm như thế nào tại cửa hàng, đào tạo nhân viên cửa hàng để họ có thể tư vấn về sản phẩm cho người tiêu dùng,…
Và cuối cùng, nhiệm vụ của marketing là mang người tiêu dùng đến cửa hàng. Sau đó, bán hàng lại là người quản lý công nợ, điều tiết hàng tồn kho,… của cửa hàng để mang về doanh thu tối đa.
Quào, marketing có vẻ liên quan đến mọi hoạt động!
Vâng, đúng là vậy. Marketing có thể đi từ khâu mua nguyên vật liệu đến đóng gói sản phẩm, từ quyết định tính năng sản phẩm đến trưng bày sản phẩm tại cửa hàng, từ định giá bán đến chương trình khuyến mãi. Và đó là lý do mà marketing khác xa quảng cáo. Nói một cách rõ ràng thì quảng cáo là một trong nhiều công việc của marketing phải làm để đưa hàng ra thị trường. Marketing quyết định sản phẩm như thế nào, mang lại giá trị gì cho khách hàng, và dùng quảng cáo để nói về những điều đó cho khách hàng biết.
Nhưng marketing lại rất đơn giản
Trong kỷ nguyên số này thì bạn có thể làm marketing một cách đơn giản hơn trước rất nhiều. Thông tin rất nhiều trên mạng và sẵn có, và dễ so sánh “trong vòng một nốt nhạc”. Công cụ làm marketing từ Facebook, Youtube, Google ngày càng thân thiện, dễ sử dụng. Nhiều công cụ thậm chí còn miễn phí. Bạn có sẵn sàng làm marketing hay chưa?
- Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, điều đầu tiên cần làm là lập ra kế hoạch kinh doanh, định hướng tương lai của doanh nghiệp và vị trí mà bạn muốn vươn tới. Hãy tìm các công ty đầu ngành của bạn và xem website của họ một cách kỹ lưỡng. Bạn có thể học được rất nhiều thứ từ họ, chỉ với việc đọc website kỹ mà thôi.
- Lập một kế hoạch marketing để hỗ trợ cho kế hoạch kinh doanh của bạn. Bắt đầu từ việc định nghĩa về những giá trị cốt lõi của công ty. Sản phẩm của công ty bạn sẽ hữu ích cho khách hàng và cộng đồng như thế nào? Việc này cực quan trọng, vì nó sẽ là gốc rễ của mọi hoạt động marketing và thông điệp mà bạn gửi tới khách hàng.
- Xem lại mọi vấn đề liên quan nhãn hiệu: tên, hình ảnh, màu sắc, mùi vị, âm thanh,… Tất cả mọi thứ có tác động tới các giác quan của khách hàng đều cần được xem xét. Hãy nhờ tư vấn nếu bạn thấy bối rối trong bước này.
- Tuỳ vào khả năng tài chính, bạn hãy cân nhắc ngân sách marketing, thời gian và đội ngũ hỗ trợ. Bạn thậm chí có thể tự làm một vài công đoạn. Tuy nhiên, việc bỏ ra một khoản chi phí nhỏ để thuê một chuyên gia đôi khi rất cần thiết vì nó giúp bạn đi nhanh và đi đúng, hơn là bạn tự đi lòng vòng một mình.
- Hãy nhớ là bạn cần xây dựng một nhãn hiệu đúng ngay từ đầu, và cần làm điều đó một cách nhất quán, bền lâu. Do vậy cần chọn lựa thông điệp một cách cẩn thận, chắc chắn và hạn chế thay đổi. Rồi việc kinh doanh của bạn sẽ tiến triển và bạn sẽ có được kết quả như mong đợi! Chúc bạn thành công!
Viết bởi đội ngũ Metta Marketing
Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu