Bốn nguyên tắc để đảm bảo thương hiệu và văn hóa phù hợp cho doanh nghiệp B2B
Sức mạnh của văn hoá đối với thương hiệu được thể hiện rõ ở các doanh nghiệp B2B (Business to Business), nơi thương hiệu có thể “sống” hoặc “chết” trong suy nghĩ, lời nói và hành động của nhân viên.
Peter Drucker – nhà tư vấn quản lý huyền thoại, nhà giáo dục và là tác giả sách – đã nói rằng: “Culture eats strategy for breakfast” (ý nghĩa: Cho dù kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp có mạnh mẽ đến đâu, thì hiệu quả của nó cũng sẽ bị kìm hãm nếu doanh nghiệp không chia sẻ văn hóa phù hợp). Đây là một câu nói ẩn dụ với hàm ý nhắm đến tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp. Các kế hoạch chiến lược khi được thiết lập luôn phải đối mặt với một bức tường thành nếu chúng không phù hợp với văn hoá của tổ chức. Điều này có nghĩa rằng, niềm tin và hành vi có thể xác định cách nhân viên và ban quản lý tương tác và xử lý các giao dịch kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp không cân nhắc vấn đề văn hoá doanh nghiệp trong chiến lược của họ bởi họ cho rằng nó không chiếm ưu thế. Tuy nhiên, sự thiếu sót này cũng có thể làm suy yếu chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp.
Sức mạnh của văn hoá đối với thương hiệu được thể hiện rõ ở các công ty B2B (Business to Business), nơi thương hiệu có thể “sống” và “chết” trong suy nghĩ, lời nói và hành động của nhân viên. Trên thực tế, khoảng cách giữa thương hiệu và văn hoá là nguyên nhân hàng đầu khiến các doanh nghiệp B2B thất bại. Các CMO (Chief Marketing Officer – Giám đốc Marketing) thường phàn nàn rằng thương hiệu của họ không bao giờ phát triển thành công vì ban quản lý không cung cấp được các nguồn lực cần thiết. Nhưng, lý do sâu xa hơn chính là do họ không thể hiểu và điều chỉnh văn hoá doanh nghiệp sao cho phù hợp.
Vậy, làm thế nào để một doanh nghiệp B2B có thể đảm bảo rằng thương hiệu của ho đang được hỗ trợ bởi nền văn hoá và ngược lại? Dưới đây là bốn nguyên tắc để đảm bảo thương hiệu và văn hoá phù hợp cho doanh nghiệp B2B.
Hiểu quan điểm của Giám đốc điều hành
Ai là người “sở hữu” văn hóa trong một tổ chức? Trước đây, văn hoá là mục tiêu của bộ phận HR (Human Resource – Quản trị nhân sự). Nhưng ngày nay, văn hoá dần trở thành mối quan tâm của các CEO. Satya Nadella, Giám đốc điều hành của Microsoft, đã viết rằng: “Giám đốc điều hành là người quản lý văn hoá doanh nghiệp”. Tuy việc thu hút nhân sự tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu là một điều quan trọng, nhưng nếu chỉ trưởng phòng nhân sự xác định được văn hoá doanh nghiệp thì điều này cũng không thể giúp tổ chức tiến xa hơn. Thay vào đó, CEO hãy xác định văn hoá ở hiện tại và tương lai. Nardella của Microsoft cũng đã nói rõ rằng, văn hoá xuất phát từ những người lãnh đạo nên điều quan trọng là phải hiểu được quan điểm và kỳ vọng của CEO.
Tham khảo ý kiến nhân viên về văn hoá doanh nghiệp
Nghiên cứu xây dựng thương hiệu luôn bao gồm yếu tố đánh giá văn hoá. Trong các cuộc phỏng vấn quản lý, hội thảo và khảo sát nhân viên, hãy hỏi về sự hợp tác, phong cách lãnh đạo, những hành vi được khen thưởng và những hành vi nào không được khuyến khích. Việc hỏi rõ ràng về văn hoá không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Doanh nghiệp có thể nhận được những quan điểm sâu sắc hơn và chân thực hơn thông qua việc thăm dò về kinh nghiệm và quan sát thực tế của nhân viên.
Xác định cách thức thể hiện văn hoá trên thị trường
Làm thế nào để khách hàng tương tác với văn hoá doanh nghiệp từ những tiếp xúc ban đầu và xuyên suốt trong quá trình bán hàng? Khách hàng chỉ có thể hiểu rất chính xác về văn hoá doanh nghiệp thông qua trải nghiệm mà họ cảm nhận được. Trên thực tế, định nghĩa về văn hoá doanh nghiệp trong mắt khách hàng rất khác so với định nghĩa của chính doanh nghiệp về văn hoá của họ.
Một công ty quản lý tài sản toàn cầu khi thực hiện tái định vị thương hiệu, Giám đốc điều hành của công ty và các quản lý trong công ty đã nói rằng văn hóa của họ được xây dựng dựa trên một phương pháp đầu tư chặt chẽ và phân tích dẫn đến cam kết đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng những khách hàng của họ thường thấy doanh nghiệp là những người cứng nhắc và kiêu ngạo. Do đó, thương hiệu mới cần được phát triển dựa trên ý tưởng hợp tác kết hợp với giáo dục và hỗ trợ khách hàng.
Đảm bảo thương hiệu luôn song hành trong các hành vi mà doanh nghiệp mong muốn ở nhân viên của mình
Mọi khía cạnh của thương hiệu bao gồm trụ cột, tính cách và cả định vị nên được thể hiện thông qua hành vi của nhân viên. Đặc biệt, doanh nghiệp B2B không chỉ cần truyền tải thông điệp bằng lời nói và hình ảnh cho chiến dịch quảng cáo mà còn phải truyền đạt cho nhân viên hiểu, giao tiếp và hết mình vì thương hiệu. Và môi trường doanh nghiệp B2B là nơi văn hoá thực sự đóng vai trò quan trọng: các hành vi của thương hiệu cần phải phù hợp với cách thức ra quyết định, khuyến khích nhân viên và giao dịch với khách hàng của một doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp đều có một nền văn hoá độc đáo. Hiểu được tầm quan trọng của văn hoá sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công. Khi xây dựng thương hiệu được thực hiện đúng, văn hoá sẽ hỗ trợ thương hiệu. Ngược lại, thương hiệu cũng sẽ góp phần củng cố văn hoá.
Nếu tổ chức của bạn phát triển theo hình thức B2B thì việc nắm rõ các nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp thương hiệu và văn hoá đóng vai trò rất quan trọng. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua email: phung.metta@metta.com.vn. Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn khám phá những thiếu sót cũng như tiềm năng hoạt động của doanh nghiệp để có thể đảm bảo rằng doanh nghiệp của bạn đã hoàn toàn áp dụng đúng và đủ 4 nguyên tắc Metta đã đề cập.
Nguồn: https://www.desantisbreindel.com/insights/four-principles-ensure-b2b-brand-culture-align/
Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu