Nâng cao hình ảnh phòng nhân sự: Khó nhưng không phải không có cách
Ngày 18.08 vừa qua, trong khuôn khổ chuỗi workshop HAPPY YOU, HAPPY WORKPLACE được tổ chức bởi Metta, hội thảo đã mang chủ đề Nâng cao hình ảnh phòng nhân sự đến với các nhà lãnh đạo và những người làm công tác nhân sự.
Bộ phận nhân sự luôn được xem là “làm dâu trăm họ” – nơi dung hòa giữa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động; đồng thời, nuôi dưỡng sự tín nhiệm của hai bên với nhau để tạo sự thuận lợi trong công việc.
Do vậy, việc xây dựng hình ảnh nhân sự vững mạnh là rất quan trọng, không chỉ giúp cấp lãnh đạo và phần còn lại của công ty thấu hiểu công việc của phòng nhân sự, mà còn tăng sự gắn kết của các bộ phận, cải thiện sự hợp tác và hiệu suất hoạt động.
Ngày nay, khái niệm về nghề nhân sự đang dần được nâng cấp hơn. Tại một số tập đoàn, cụm từ Human Capital (HC, tạm dịch: vốn nhân lực) đã bắt đầu đưa vào trong vận hành. Theo diễn giả – anh Từ Quốc Đạt, so với “nguồn nhân lực” (Human Resource), Human Capital (HC) giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc đầu tư vào nhân lực để phát triển doanh nghiệp. Không đơn thuần là sử dụng lao động để tạo ra giá trị sản xuất, mà hơn thế nữa, ngày nay người ta càng coi trọng nhân tài hơn bao giờ hết. Các lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư hơn cho việc khơi gợi tiềm năng và khai thác năng lực của nhân viên, từ đó, tạo động lực thúc đẩy tinh thần làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, vai trò của công tác nhân sự trong doanh nghiệp cũng cần được đánh giá một cách khách quan hơn. Bởi lẽ, trong quá trình đầu tư và phát triển nguồn vốn con người của doanh nghiệp, người làm nhân sự đóng một vai trò hết sức quan trọng để tất cả nhân viên có thêm động lực và cống hiến. Họ sẽ là người khơi gợi điểm mạnh của các nhân viên trong công ty một cách thấu đáo. Đồng thời, bộ phận này còn là cầu nối giữa nhân viên và các cấp lãnh đạo.
Vậy nên, định vị phòng nhân sự là nhiệm vụ cấp thiết của các nhân viên HR mà anh Từ Quốc Đạt đã đưa ra trong buổi workshop để các phần còn lại của doanh nghiệp cũng như ban lãnh đạo hiểu rõ tầm quan trọng của bộ phận này.
Nhiều câu hỏi đặt ra cho các nhân viên HR, nổi bật trong số đó là “Làm thế nào để nâng cao hình ảnh của phòng nhân sự?”. Anh Từ Quốc Đạt cũng đã chia sẻ 2 yếu tố then chốt:
- Thứ nhất, thực hiện tốt vai trò CNNV của HR: Nhân sự phải hiểu được định hướng, các chiến lược doanh nghiệp để nắm rõ các chức vụ và nhiệm vụ của từng người. Từ đó, đưa ra đề xuất nhân sự phù hợp cho từng nhiệm vụ trong các công việc, dự án.
- Thứ hai, xây dựng hình ảnh của HR (HR-Brand): Cần đảm bảo các bước sau:
- Xác định nhóm đối tượng/khách hàng mục tiêu
- Xác định nhu cầu của từng nhóm
- Xây dựng/nâng cao hành trình trải nghiệm của nhân viên
- Và xây dựng/thực hiện truyền thông nội bộ hiệu quả.
Qua đó, đúc kết thông qua buổi workshop, truyền thông nội bộ được nhận định là phương pháp giúp người làm nhân sự và lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc hiệu quả.
Song, truyền thông như thế nào là hiệu quả và tránh rơi vào bẫy “kể lễ”? Anh Từ Quốc Đạt cũng đã đưa ra một số giải pháp để dung hòa cho tính chất “bất kiêm nhiệm” của HR. Chúng ta đều hiểu rằng, mỗi một bộ phận sẽ có nhiệm vụ riêng. Và một điều dễ nhận thấy, việc xây dựng thương hiệu trước nay chưa bao giờ là nghiệp vụ và thế mạnh của bộ phận nhân sự, cũng bởi khái niệm này khá mới mẻ với các nhân viên HR.
Trong khi đó, các nhà tiếp thị hay bộ phận marketing sẽ gần gũi hơn với công tác truyền thông. Trên thực tế, truyền thông nội bộ khá tương đồng với công việc truyền thông của các marketer. Thay vì truyền thông đến các khách hàng bên ngoài, thì truyền thông nội bộ sẽ hướng đến đối tượng là khách hàng bên trong tổ chức.
Do đó, với khối lượng công việc của các nhân viên nhân sự hiện nay, giải pháp truyền thông nội bộ từ các dịch vụ bên ngoài sẽ là một lựa chọn tối ưu hơn. Theo dõi và đăng ký nhận bản tin của METTA để cập nhật tin tức mới nhất cũng như các workshop đào sâu hơn về chủ đề này trong thời gian sắp tới.
Một số hình ảnh được lưu lại tại buổi workshop: