Một công ty khởi nghiệp sẽ như thế nào nếu mất đi Nhà sáng lập?

Nguồn: Harvard Business Review

Về Tác giả:

Michael Ewens – Phó giáo sư tài chính và khởi nghiệp tại Viện Công nghệ California
Matt Marx – Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Questrom của Đại học Boston

Tóm lược:

Khi một nhà sáng lập bắt đầu tìm nguồn vốn từ các nhà đầu tư, họ thường có xu hướng lo lắng về việc mất đi quyền kiểm soát “đứa con” của mình – đây hoàn toàn là một nỗi lo chính đáng. Thực tế chỉ ra rằng, 20-40% nhà sáng lập startup đã bị thay thế theo yêu cầu từ các Nhà đầu tư. Nhưng một doanh nghiệp sẽ ra sao khi Nhà sáng lập phải rời đi? Dữ liệu ban đầu cho thấy các doanh nghiệp Startup bị thay thế Nhà sáng lập có rất ít khả năng tồn tại và phát triển sau khi các Nhà đầu tư thoái vốn. Tuy nhiên, điều này có thể là do các doanh nghiệp này đã hoạt động không hiệu quả trước khi có sự thay thế ở bộ máy lãnh đạo.

Tại một số nơi hoặc lĩnh vực đặc thù, có vài điều khoản ràng buộc gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm sự thay thế hoàn hảo cho vị trí CEO. Nhưng nếu có thể tìm được người để thay cho người sáng lập vào vị trí CEO thì nó hoàn toàn có khả năng cải thiện cơ hội thành công của startup.

Thông thường, các founder sẽ luôn tìm kiếm thêm các nguồn vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng ở các thị trường có mức độ cạnh tranh gay gắt và khốc liệt – nơi mà tăng trưởng là yếu tố quyết định sự thành bại. Và tất nhiên, các nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư luôn mang lại những rủi ro đi kèm, điều này có thể khiến các nhà sáng lập chững lại. Sức ảnh hưởng của những nhà sáng lập đến công ty sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều cả về nguồn vốn lẫn quyền kiểm soát hội đồng quản trị. Thậm chí họ còn rơi vào khả năng mất trắng nếu các nhà đầu tư quyết định sa thải để tìm một người khác thay thế.

Theo ước tính, có khoảng 20-40% các nhà sáng lập không giữ được chiếc ghế của mình và thường được thay thế bằng một người khác dày dặn kinh nghiệm hơn nhằm mở rộng quy mô công ty và chuẩn bị cho việc mua lại hoặc sát nhập vào công ty khác. Người ta thường cho rằng những founder sẽ không bị thay thế trong mọi trường hợp, cùng lắm là không thể mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty, nhưng trường hợp đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu các nhà đầu tư đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của người sáng lập đối với việc “chuyên nghiệp hoá” công ty. Khi một nhà sáng lập bị thay thế, doanh nghiệp của họ sẽ hoạt động như thế nào?

Đọc thêm: Cần chuẩn bị thế nào trước khi “bán” doanh nghiệp?

Để giải đáp câu hỏi này, chúng tôi đã thu thập các dữ liệu từ Venturesource, từ các vòng gọi vốn của các nhà đầu tư mạo hiểm, và những dữ liệu được thu thập thủ công của các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn 1995 đến 2008, xoay quanh việc vai trò ban đầu đã thay đổi như thế nào theo thời gian. Dữ liệu này cho chúng ta biết nhà sáng lập sẽ bị thay thế vào giai đoạn nào. Khi công ty tuyển một Giám đốc điều hành mới, chúng tôi giả thiết nhà sáng lập có khả năng đã bị thay thế. Sau đó, chúng tôi kiểm tra xem người sáng lập có được giữ lại công ty không (trường hợp thay đổi vai trò) hay đã rời đi sau khi bị thay thế. Mối liên hệ giữa việc thay thế người sáng lập và hiệu suất của doanh nghiệp được chúng tôi ghi nhận liên tục trong giai đoạn suốt mùa hè năm 2017.

Chúng tôi thấy rằng, có gần 20% nhà sáng lập thuộc các doanh nghiệp được nhận đầu tư từ các quỹ bị thay thế, điều này gần như trùng khớp với kết quả của các nghiên cứu khác và cũng gần giống với tỷ lệ thay thế của các công ty đại chúng. Việc thay thế các nhà sáng lập dần trở nên phổ biến hơn khi các công ty khởi nghiệp dần vào quỹ đạo phát triển, hay nói cách khác là các nhà đầu tư đã có thời gian để quan sát, đánh giá hiệu suất làm việc của các nhà sáng lập, và tỷ lệ đưa ra quyết định sa thải người sáng lập có vẻ nhất quán trên nhiều kiểu nhà đầu tư khác nhau. Bước kế tiếp, chúng tôi đánh giá hiệu quả thay thế thông qua việc công ty có đạt được IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên) hay một thành tựu nào khác không, ví dụ như giá trị doanh nghiệp cao hơn gấp 150% vốn huy động.

Thoạt nhìn, có vẻ việc thay thế người sáng lập sẽ khiến hiệu suất trở nên kém hơn, bởi cứ 10 công ty khởi nghiệp thì luôn có ít nhất 1 hoặc 2 công ty có hiệu suất giảm khi người sáng lập rời đi. Tuy nhiên, kết quả trên có thể là do các doanh nghiệp này đã hoạt động không hiệu quả trước khi có sự thay thế ở bộ máy lãnh đạo. Trên thực tế, việc thay thế những người sáng lập thực sự có ích trong việc cải thiện, gia tăng hiệu suất của công ty nói chung, và kết quả dữ liệu ở phía trên đã bị xáo trộn bởi các công ty khởi nghiệp chất lượng thấp. Vậy làm thế nào để biết chính xác được việc thay thế vai trò của nhà sáng lập bằng một người khác có mang lại những lợi ích thật sự cho doanh nghiệp?

Đọc thêm: Những trăn trở của nhà sáng lập trên hành trình khởi nghiệp

Chúng tôi đã giải đáp câu hỏi trên bằng cách đánh giá, xem xét mối liên kết giữa việc thay thế và hiệu suất trong một trường hợp cụ thể: liệu có khó khăn để tìm kiếm sự thay thế cho vị trí bỏ trống của người sáng lập khi họ đã rời đi? Lựa chọn thay thế lý tưởng nhất là một nhà điều hành giàu kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tương tự. Nhưng đa phần những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí kể trên đều bị ràng buộc bởi doanh nghiệp của họ từ một số điều khoản hạn chế. Nghiên cứu chỉ ra rằng 70% giám đốc điều hành tại các công ty đại chúng đã ký các điều khoản ràng buộc và các điều luật trong hợp đồng này không khuyến khích họ đảm nhiệm vai trò tương tự trong cùng một lĩnh vực.

Tại Hoa Kỳ, các thoả thuận hạn chế được quản lý ở cấp tiểu bang. Ở những tiểu bang “dễ chịu”, việc tuyển các giám đốc điều hành giàu kinh nghiệm cũng phần nào trở nên dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư, và ngược lại. Trong thời gian thực hiện nghiên cứu, có đến 14 tiểu bang đã thay đổi chính sách về thoả thuận hạn chế, cho phép chúng tôi kiểm định giả thuyết một cách chính xác nhất. Hơn hết, để những thay đổi có hiệu lực thì các giám đốc điều hành thay thế thường được tuyển dụng từ trong cùng một tiểu bang. Chúng tôi nhận thấy có một sự “thiên vị nội bộ” đáng kể trong việc tuyển dụng: Các công ty khởi nghiệp có khả năng tuyển ứng viên trong tiểu bang hơn là các ứng viên đến từ tiểu bang khác, tỷ lệ chênh lệch này là gấp đôi.

Chúng tôi cho rằng, khi các tiểu bang có sự điều chỉnh về chính sách hạn chế thì việc tuyển dụng thay thế cho vị trí giám đốc điều hành sẽ thuận tiện hơn, tỷ lệ các nhà sáng lập “mất con” thực sự tăng cao. Ngược lại, các chính sách trở nên thắt chặt và khó khăn hơn, việc tuyển dụng cũng trở nên phức tạp dẫn đến việc các nhà sáng lập sẽ còn cơ hội tại vị. Và một khi các chính sách ở các tiểu bang trở nên “dễ chịu” thì việc các founder phải rời đi cũng trở thành chuyện thường tình, lúc đó khả năng niêm yết cổ phiếu hoặc mua lại toàn bộ cổ phần doanh nghiệp của các nhà đầu tư sẽ tăng cao.

Do đó, chúng tôi kết luận rằng việc “sa thải” người sáng lập trong lúc các công ty khởi nghiệp đang gặp khó khăn là một nước đi có lợi từ mọi phía. Theo ước tính, xác suất người sáng lập bị thay thế đã tăng lên 14% và dự đoán xác suất thoái vốn thành công là cao hơn 25%.

Cuối cùng, chúng tôi đã xem xét đến trường hợp khi nào việc thay thế nhà sáng lập tạo ra sự khác biệt lớn nhất. Một phát hiện có lẽ không mấy ngạc nhiên là việc thay thế những người sáng lập thuộc C-level sẽ đem lại nhiều rủi ro hơn các cấp độ chức danh khác. Thú vị hơn, một số nhà sáng lập vẫn được giữ lại ở công ty nhưng với những vai trò khác. Nghe thật lý tưởng, nhưng trên thực tế, các công ty khởi nghiệp luôn có xu hướng hoạt động tốt hơn khi người sáng lập bị thay thế hoàn toàn. Theo phỏng đoán, việc một nhà sáng lập bị “sa thải” có thể dẫn đến những hiểu lầm trong nội bộ các nhân viên còn lại hay thậm chí người sáng lập khi rời đi còn có thể gây khó khăn cho những người thay thế họ – tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm được dẫn chứng cho luận điểm này.

Tóm lại, các nhà sáng lập có quyền lo lắng rằng các nguồn vốn bên ngoài sẽ làm tăng nguy cơ mất việc của họ. Mặc dù trên thực tế hiệu suất doanh nghiệp của họ đang đi xuống và “mất việc” là chuyện sẽ diễn ra. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng những người sáng lập có thể bớt lo lắng hơn một chút về việc bị thay thế – ít nhất là từ góc độ tài chính – bởi vai trò bị giảm của họ trong công ty có thể được đền bù bằng việc tăng giá trị vốn chủ sở hữu của họ.

Metta Marketing
Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN, CẬP NHẬT NHỮNG THÔNG TIN HAY, MỚI NHẤT VỀ THỊ TRƯỜNG VÀ MARKETING







Thẻ tag:,

Nhà sáng lập và lựa chọn nan giải: Có nên bán doanh nghiệp?

Quyết định được xem là “hóc búa” cũng như khó khăn nhất đối với đa số chủ doanh nghiệp là việc cân nhắc có nên nhận đầu tư từ các nguồn lực bên ngoài hay không, và liệu như thế có phải là “bán” doanh nghiệp của mình cho người khác.

Chuẩn bị cho doanh nghiệp trước làn sóng M&A

Nhận đầu tư từ một đối tác phù hợp là một thách thức, nhưng nếu không ai biết về doanh nghiệp của bạn hoặc tệ hơn là hiểu sai về nó thì một thương vụ M&A thành công dường như là bất khả thi. May thay, các yếu tố trên đều nằm trong phạm vi mà chủ doanh nghiệp có thể giải quyết được

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO DOANH NGHIỆP NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM 2024 – 2050

Thương hiệu là thứ kết nối doanh nghiệp với khách hàng, và cũng là cách để khách hàng nhìn nhận doanh nghiệp và các giá trị mà doanh nghiệp mang lại. Nói cách khác, đó là cách khách hàng phân biệt chúng ta với các đối thủ cạnh tranh. Từ tên gọi, biểu tượng đến [...]

Xây dựng thương hiệu là bắt buộc đối với tất cả doanh nghiệp

Xây dựng thương hiệu không còn là sự lựa chọn, nó là nền tảng cho việc kinh doanh và đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc của bất kỳ doanh nghiệp nào. Một số người cho rằng việc xây dựng thương hiệu không dành cho những doanh nghiệp nhỏ, mới, bởi cần một khoản ngân [...]

Xây dựng thương hiệu thế nào để tạo ra sức mạnh thương hiệu, gia tăng lợi nhuận, dẫn đầu cạnh tranh?

Thông thường, người ta hay nhắc đến sự chiến lược khác biệt hoá khi nói về sức mạnh thương hiệu. Điều này không sai nhưng liệu đã đầy đủ, đặc biệt không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm ra sự khác biệt hoàn hảo? Và những doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu [...]

Chìa khóa để tăng cơ hội mở rộng doanh nghiệp mà các lãnh đạo thường bỏ quên

Trong khi các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu không ngừng tập trung vào việc tinh chỉnh các đề xuất của họ để tìm kiếm sản phẩm phù hợp với thị trường, thì các công ty liên doanh trong giai đoạn ngoại suy thường coi việc mua lại như một cách để mở rộng thị trường