LỜI GIẢI BÀI TOÁN “CHIẾN LƯỢC MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI” CHO CÁC DOANH NGHIỆP NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Hội thảo “Chiến lược mở rộng thị trường nước ngoài” do Hiệp hội SACA TP.HCM tổ chức đã thành công mỹ mãn vào ngày 02/11/2023 tại Trung tâm triển lãm C-SPACE, địa chỉ số 12-13 Đường N1, Tân Thuận Đông, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này thu hút sự tham gia của hơn 100 hội viên đại diện đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành vật liệu xây dựng, tạo nên một diễn đàn thú vị cho việc chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu. Chương trình hội thảo tập trung vào những chuyên đề thực tế liên quan đến thị trường nước ngoài, nhằm trang bị cho các doanh nghiệp những kiến thức quý báu và chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia thành công trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế.
Lời giải “3 then chốt mở cửa thị trường nước ngoài”
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sụt giảm nhu cầu trên thị trường nội địa, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn. Chi phí nguyên liệu tăng, lạm phát cao, và thị trường bất động sản không ổn định,… Điều này đang đặt áp lực lớn lên các doanh nghiệp sản xuất trong ngành. Tình hình kinh tế toàn cầu cũng đang ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, với nhiều quốc gia tăng cường biện pháp bảo vệ thương mại.
Mặc dù khó khăn, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam vẫn đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Trong bài thuyết trình tại hội thảo, Bà Ngô Phi Phụng – Nhà sáng lập, Giám Đốc Công ty CP DV Tiếp Thị Chia Sẻ Metta đã chia sẻ “3 then chốt mở cửa thị trường nước ngoài” để các doanh nghiệp trong ngành tìm được hướng đi phù hợp, tự tin tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và xây dựng thương hiệu của riêng họ trên thị trường thế giới (OBM – Original Brand Manufacturing).
Khát khao xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam là một cuộc hành trình đầy thách thức. Ngoài việc đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng là “thấu hiểu thị trường và người tiêu dùng” tại đó. Sản phẩm có thể rất tốt tại Việt Nam, nhưng nếu không đáp ứng được nhu cầu và thói quen tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu, thì việc thâm nhập thị trường đó sẽ rất khó khăn. Vì vậy, một doanh nghiệp cần phải hiểu một cách triệt để nhu cầu của khách hàng, mong đợi của khách hàng và thói quen tiêu dùng của khách hàng tại thị trường đích mà mình muốn hướng đến.
Thói quen tiêu dùng ở thị trường nước ngoài khác hoàn toàn so với thị trường Việt Nam. Theo các nghiên cứu về tiêu dùng, người tiêu dùng ở nước ngoài thường chỉ phân loại sản phẩm thành hai nhóm: sản phẩm có thương hiệu và sản phẩm không có thương hiệu. Sản phẩm không có thương hiệu, dù xuất phát từ bất kỳ quốc gia nào, thường được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá tương tự nhau. Điều này đồng nghĩa rằng, khi doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mẽ, họ phải cạnh tranh với tất cả các thương hiệu khác trên thế giới khi bước vào thị trường nước ngoài.
Khi tiến vào thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp Việt thường có nguồn lực ít và phải cạnh tranh với những đối thủ lớn đã có thương hiệu. Thay vì đối đầu trực tiếp, họ cần tìm “thị trường ngách” và áp dụng “chiến lược thâm nhập đột phá” (disruptive strategy) từng bước. Cách tiếp cận thị trường có thể là xuất khẩu trực tiếp thông qua sàn thương mại điện tử quốc tế lớn (Amazone, Alibaba, Ebay,…) hoặc các đại siêu thị bán lẻ lớn (Home Depot, Ikea, Home outlet, Walmart,…), hoặc xuất khẩu gián tiếp qua các đơn vị thương mại xuất khẩu và nhà môi giới. Với hiểu biết sâu rộng về thị trường và mối quan hệ mà các đơn vị này có được, sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Bà Ngô Phi Phụng cũng nhấn mạnh một điểm quan trọng về việc xây dựng thương hiệu cho thị trường nước ngoài là cần truyền tải được câu chuyện thương hiệu truyền cảm hứng, đủ sức thuyết phục khách hàng ra quyết định. Các công cụ truyền thông như website doanh nghiệp, tìm kiếm Google, YouTube, Email Marketing, và LinkedIn của doanh nghiệp Việt cần được sử dụng đúng cách để truyền thông hiệu quả. Trong quá trình truyền thông ở nước ngoài, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định luật pháp về dữ liệu khách hàng, bảo mật thông tin, … và hiểu rõ thói quen và sở thích của khách hàng mục tiêu để truyền thông đúng hướng mang lại hiệu quả và tránh được các rủi ro vi phạm quy định.
Then chốt cuối cùng khi xuất khẩu, doanh nghiệp Việt cần phải tiên liệu và dự đoán tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, khu vực, và quốc gia nhập khẩu. Họ cần hiểu rõ các luật lệ mới, quy định, tỷ giá hối đoái, logictics quốc tế và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu. Điều này giúp doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng xây dựng kế hoạch dự phòng và giảm thiểu rủi ro trong quá trình thâm nhập thị trường nước ngoài.
Sản phẩm xuất khẩu cần phải đạt những điều kiện gì?
Trong thời đại hiện nay, xu hướng “sản phẩm bền vững” hay “sản phẩm xanh”, là những sản phẩm được sản xuất với sự tập trung vào việc giảm thiểu tác động đến môi trường và xã hội. Chúng thường đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và bảo vệ môi trường. Những sản phẩm này thường được ưa chuộng trên thị trường quốc tế bởi sự nhận thức ngày càng cao về bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững. Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Secoin có chia sẻ về “kinh nghiệm đưa thương hiệu Việt ra thị trường Quốc tế – Bài học từ Secoin” đã nhấn mạnh: các chuỗi cung ứng toàn cầu khi làm việc với các nhà cung cấp từ Việt Nam thường đưa ra yêu cầu về việc cung cấp “sản phẩm bền vững”, “sản phẩm xanh”. Nếu không thích ứng với những xu thế chung của thế giới, các doanh nghiệp Việt chỉ phát triển được trong ngắn hạn và mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt để cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế cần phải chú trọng vào “chuổi cung ứng xanh” (Green Supply Chain Management – GSCM) làm ra những sản phẩm phù hợp với kinh tế tuần hoàn, có khả năng tái sinh, góp phần chống biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ đảm bảo sự tuân thủ với các tiêu chuẩn quốc tế mà còn giúp họ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và xây dựng hình ảnh tích cực về thương hiệu.
Mở rộng quan hệ và kết nối để xuất khẩu
Cũng trong tại hội thảo, bà Văn Thị Anh Thư – Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển Quốc tế Hiệp hội SACA/ Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Marketing B2B Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang giới thiệu ra mắt “Ban Hợp tác & Phát triển quốc tế ICDD” với mục tiêu quan trọng xây dựng Hệ sinh thái Quốc tế SACA. Mục tiêu này đặt ra sứ mệnh xây dựng một hệ sinh thái toàn diện cho hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường nước ngoài trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.
Hệ sinh thái Quốc tế SACA sẽ tạo ra môi trường cho sự hợp tác sâu rộng giữa các doanh nghiệp Hội viên, tạo điều kiện để họ có thể cùng nhau phát triển thị trường nước ngoài. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt trong ngành vật liệu xây dựng tiếp cận và khai thác các thị trường mới, xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, và thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Bằng việc xây dựng Hệ sinh thái Quốc tế SACA, Hiệp hội SACA cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp thành công trên thị trường quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của ngành xây dựng và vật liệu xây dựng Việt Nam, và góp phần xây dựng hình ảnh tích cực của ngành này trên sân khấu toàn cầu.
Trong bài phát biểu cuối cùng của chương trình, Ông Đinh Hồng Kỳ – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội SACA chia sẻ, các chương trình của Hiệp hội luôn cố gắng mang đến những giá trị thiết thực cho Hội viên và Hiệp hội sẽ khởi động chương trình mới mang tên SACA CONNECT với hình thức tổ chức mới mẻ hơn mang đậm chất riêng thương hiệu SACA, tạo nên những giá trị riêng cho mỗi doanh nghiệp Hội viên tham dự chương trình.
Metta Marketing Shared Services
Chuyên gia tư vấn chiến lược marketing thương hiệu hàng đầu tại Việt