Kinh nghiệm cho doanh nghiệp OBM để thương hiệu Việt lớn mạnh trên thị trường quốc tế
Là doanh nhân khao khát xuất khẩu thương hiệu Việt ra thị trường bên ngoài, sáng lập viên Metta Marketing, chuyên gia chiến lược Phụng Ngô đã đúc kết 4 kinh nghiệm quan trọng khi kinh doanh và giữ vững thương hiệu của bản thân tại thị trường quốc tế.
Kinh nghiệm thứ nhất: Cạnh tranh với cả thế giới
Kể câu chuyện cá nhân của tôi, còn nhớ vào năm 2015, khi tôi mới chân ướt chân ráo sang Canada tìm việc, mọi người đều hỏi ở Việt Nam thì làm gì. Khi tôi nói tôi làm nghề marketing, ai cũng lắc đầu: “Thôi rồi, vậy ở đây không tìm được việc đâu!”. Họ nói đúng, vì bạn không chỉ cạnh tranh với người bản địa, mà còn cạnh tranh với tất cả những người nhập cư tài giỏi từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến từ Mỹ, Pháp, Đức, Iran, Ấn Độ… Thật sự thì không có người từ ngõ ngách nào trên thế giới mà không có mặt tại Canada. Dù tôi đã có nhiều thành công tại Việt Nam khi xây dựng được một số thương hiệu lớn, quả thật, tôi cũng đã khá lo lắng khi nghe các ý kiến về cái nghề “không ai thuê” của mình.
Nhưng tôi đã vượt qua các nghi kỵ và được các công ty lớn mời vào làm việc ở vị trí marketing với đầy đủ đãi ngộ mà không phải đổi nghề như hầu hết những người mới qua khác. Tôi đã thành công bán chất xám của mình. Các doanh nghiệp Việt thì bán sản phẩm với thương hiệu Việt (với tên gọi vẫn thuần Việt hoặc được quốc tế hoá) thì sao? Dù là vô hình hay hữu hình, thì việc bán sản phẩm đều như nhau. Thị trường nước ngoài là thỏi nam châm của tất cả các nhà xuất khẩu tương đồng như chúng ta, và sản phẩm của ta phải cạnh tranh với những quốc gia ở gần như Trung Quốc, Thái Lan, Indo, hay ở xa như Thỗ Nhĩ Kỳ, Brazil, Mexico… Do vậy, tâm thế của chúng ta phải là: cạnh tranh sòng phẳng với cả thế giới!
Vậy thì chúng ta có gì và cần làm gì để cạnh tranh với thế giới?
Kinh nghiệm thứ hai: Bỏ qua suy nghĩ “bán cho người Việt”
Không khác với suy nghĩ sản xuất để bán cho người thân và bạn bè, nếu sản phẩm của chúng ta chỉ tập trung vào người Việt thì chúng ta đã hạn chế tệp khách hàng tiềm năng của mình. Thực tế là người Việt thường chỉ chiếm chưa tới 1% dân số của quốc gia sở tại, chưa kể thiện cảm của người Việt hải ngoại cũng không tốt với sản phẩm sản xuất ở Việt Nam, ngoại trừ một số hàng nông sản truyền thống đặc thù. Do vậy, bán cho người Việt thực sự là một định hướng rủi ro.
Do vậy, việc tìm hiểu khách hàng nước ngoài phải được thực hiện một cách bày bản, tương tự như việc xây dựng thương hiệu ở Việt Nam. Thật lạ nếu bạn lập chiến lược và kế hoạch marketing bày bản tại Việt Nam mà lại không làm điều đó cho thị trường nước ngoài. Hiện tại, khá dễ dàng để thuê một đơn vị tư vấn bản địa hay tại Việt Nam để cung cấp cho bạn cái nhìn toàn cảnh về một thị trường nước ngoài, cũng như mua các báo cáo về sức mua, thói quen tiêu dùng, sở thích, xu hướng,… của các khu vực trên thế giới.
Chỉ khi bạn hiểu thấu đáo về khách hàng của mình, cơ hội duy trì và phát triển thương hiệu của bạn mới thực sự được nâng cao. Nếu không, có thể chỉ sau lô hàng đầu tiên, việc xuất khẩu của bạn sẽ trở nên tắc nghẽn.
Kinh nghiệm thứ ba: Đòn bẩy khác biệt
Archimedes nói “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên”. Trong cạnh tranh, điểm tựa đó chính là chiến lược khác biệt hoá. Nếu sản phẩm của bạn khó tạo ra sự khác biệt, hoặc không thể có được sự khác biệt vì các nguồn lực hiện tại hạn chế, bạn sẽ cạnh tranh thế nào? Bạn phải nghiên cứu tiếp hay chờ đợi đến khi tìm ra được sự khác biệt?
Quay trở lại câu chuyện cá nhân, tôi đã khác biệt hoá bản thân như thế nào để vẫn tiếp tục làm nghề marketing ở nơi đất khách? Dĩ nhiên tôi không thể ỷ lại vào “kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm” ở Việt Nam để cạnh tranh. Tôi phải khác biệt bằng những điều mới mẻ mà cả người Canada lẫn dân nhập cư đều ít người có thể làm tại thời điểm đó. Tôi đã tự học tự động hoá tiếp thị, đi học nghiên cứu dữ liệu, lấy chứng nhận toàn cầu về phân tích kinh doanh, kết bạn với những người chuyên nghiệp giỏi giang khác… để hồ sơ cá nhân của mình nổi bật giữa đám đông tìm việc. “Khác biệt hay là chết” chỉ là tên của một quyển sách, nhưng đối với tôi thời điểm đó, nó rất thật.
Mọi người đều biết khác biệt cốt lõi phải đến từ sản phẩm. Nhưng khác biệt cũng có thể đến từ giá cả, bao bì, dịch vụ, tính ứng dụng, câu chuyện thương hiệu… thậm chí đến từ nguồn gốc sản phẩm. Doanh nghiệp của bạn muốn xây dựng thương hiệu tại nước ngoài, vậy bản sắc của bạn có hay không? Bản sắc của bạn có thể đến từ nguồn gốc văn hoá Việt Nam không hay phải hoà với văn hoá bản địa? Có những khác biệt không tốn kém quá nhiều, nhưng cần chúng ta tư duy trúng và làm đúng. Ngoại trừ việc bạn muốn xuất khẩu chỉ để tạo dựng danh tiếng cho việc bán hàng trong nước thuận lợi hơn, thì việc lớn mạnh tại thị trường nước ngoài đòi hỏi tư duy sáng tạo và kiên trì đổi mới.
Kinh nghiệm thứ tư: Tư duy trước tương lai
Trong quyển sách “Hiểu Về Trái Tim” của thầy Minh Niệm, chương “Nghi Ngờ” thầy có viết “Đó là thái độ cố chấp, bám chặt vào những kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ cũ kỹ để nhìn vào thực tại mới mẻ. Trong chừng mực nào đó, dĩ nhiên kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ là thứ tài sản quý báu của con người. Nhưng nếu ta không biết cách sử dụng nó một cách đúng đắn và hợp lý, thì nó sẽ trở thành những bức tường định kiến và thành kiến để ngăn cách ta với sự thật”.
Việc chuyển đổi kỹ thuật số trong bán hàng và tiếp thị vẫn còn mới tại Việt Nam, nhưng như tôi đã kể, tôi đã làm việc đó cách đây 8 năm tại Canada. Thị trường Việt Nam luôn đi sau các đổi mới tại các thị trường phát triển, và do vậy để cạnh tranh tại thị trường nước ngoài, bạn phải đi trước hiện thực ở Việt Nam. Để bắt kịp cách kinh doanh tại nước ngoài, chúng ta phải hành xử như các công ty bản địa với hệ thống quản lý và chất lượng nhân sự tương đương. Nếu chúng ta là một doanh nghiệp đã vững chắc tại Việt Nam, thì một lần nữa, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có cơ hội trải nghiệm lại khoảng thời gian “khởi nghiệp” thú vị và thử thách tại thị trường nước ngoài. Âu đó cũng là một trải nghiệm quý giá mà nhiều người muốn có!
Nguồn: Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM (SACA) và Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Được viết bởi bà Ngô Phi Phụng
Nhà sáng lập Metta Marketing
Metta Marketing Shared Services
We build strategies and deliver strong brands